Phát hiện sớm hội chứng ruột kích thích

Tuấn Bảo, icon
07:33 ngày 25/02/2019

VTV.vn - Hội chứng ruột kích thích là một rối loạn chức năng đường tiêu hóa thường gặp, dễ chẩn đoán nhầm với các bệnh đường tiêu hóa khác.

Hình minh họa.

Theo các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, hội chứng ruột kích thích (Còn có tên gọi khác là bệnh đại tràng chức năng, viêm đại tràng co thắt) là một rối loạn chức năng đường tiêu hóa thường gặp. Các triệu chứng tồn tại dai dẳng và hiện tại chưa có biện pháp nào chữa khỏi hẳn hội chứng ruột kích thích nhưng các biểu hiện khó chịu của bệnh nhân có thể giảm nhẹ khi dùng thuốc. Tuy nhiên, người bệnh cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được tư vấn, điều trị phù hợp, tránh tự ý dùng thuốc có thể dẫn đến nhiều hậu quả đáng tiếc.

Biểu hiện của hội chứng ruột kích thích

Trong hội chứng ruột kích thích, chức năng của ống tiêu hóa bị rối loạn nhưng cấu trúc ống tiêu hóa bình thường ngay cả khi quan sát dưới kính hiển vi. Khoảng 20% người dân bị hội chứng ruột kích thích, gây nên những khó chịu nhất định cho người bệnh. Đặc biệt, bệnh có thể mắc ở bất kỳ lứa tuổi nào trong cuộc đời nhưng thường gặp ở lứa tuổi trẻ và tỷ lệ mắc ở phụ nữ cao hơn nam giới.

Đau bụng và khó chịu vùng bụng: có thể xuất hiện ở bất kỳ vùng nào của ổ bụng, cơn đau xuất hiện và tự mất đi. Thời gian của cơn đau tùy thuộc vào mỗi bệnh nhân, có thể chỉ đau âm ỉ, tức nhẹ hoặc có thể đau dữ dội, tính chất của cơn đau có thể thay đổi theo thời gian. Cơn đau thường giảm đi sau khi bệnh nhân tháo được phân hay đánh hơi.

Thay đổi về phân: Có những bệnh nhân có triệu chứng tiêu chảy là chủ yếu, có những bệnh nhân có triệu chứng táo bón nổi trội; hoặc có những đợt táo bón xen kẽ với tiêu chảy. Có nhiều bệnh nhân mô tả phân có thể bé hơn so với bình thường như phân mèo; phân nhão và sống phân có thức ăn chưa tiêu.Bệnh nhân có thể xuất hiện có triệu chứng phân có nhày. Một số bệnh nhân có cảm giác đi ngoài không hết phân, hoặc có triệu chứng đi ngoài ngay sau khi ăn, đi ngoài vào buổi sáng hoặc muốn đi ngoài ngay sau thức dậy và ngay sau bữa ăn sáng.

Một số triệu chứng khác: Mệt mỏi chán ăn, buồn nôn, đau đầu, chướng hơi, mệt mỏi, trầm cảm, đau lưng, đau cơ, cảm giác no sớm, cảm giác ợ nóng.

Nguyên nhân gây nên hội chứng ruột kích thích

Nguyên nhân của hội chứng ruột kích thích cho đến thời điểm hiện tại chưa được các nghiên cứu chứng minh sáng tỏ hoàn toàn. Có thể do tăng tính nhạy cảm của ống tiêu hoá. Ống tiêu hóa được cấu tạo bởi các lớp cơ dài từ miệng xuống hậu môn. Ruột non và ruột già được sắp xếp ở các vùng khác nhau trong ổ bụng. Thức ăn được vận chuyển từ ruột non sang ruột già qua mỗi đợt co bóp của lớp cơ ống tiêu hoá. Đau bụng và các triệu chứng khác của ống tiêu hóa có thể xuất hiện khi lớp cơ cấu tạo thành ống tiêu hóa co bóp không đồng bộ hoặc co bóp quá mức. Tùy thuộc các rối loạn co bóp nào của lớp cơ ống tiêu hóa mà bệnh nhân có triệu chứng tiêu chảy hay táo bón xuất hiện và chiếm ưu thế.

Nguyên nhân tăng hoạt tính của lớp cơ ống tiêu hóa hiện cũng chưa được y học làm sáng tỏ.

- Tăng hoạt động của các sợi thần kinh chi phối hoạt động lớp cơ ống tiêu hoá. Hiện tại y học chưa biết được tại sao có sự tăng hoạt động của sợi thần kinh này. Có thể do tăng dẫn truyền của các tế bào thần kinh từ não xuống ống tiêu hoá. Stress và các rối loạn cảm xúc đóng một vai trò quan trọng của hội chứng ruột kích thích. Khoảng trên 50% các bệnh nhân có hội chứng ruột kích thích xuất hiện các cơn đau bụng hay rối loạn phân khi chịu tác động của các rối loạn cảm xúc và các triệu chứng đau bụng hay rối loạn phân cũng trở nên nặng hơn khi có stress.

- Không dung nạp với một số thức ăn đặc biệt là những đồ ăn tanh, hải sản.

- Nhiễm vi khuẩn trong ống tiêu hoá. Có thể là một loại virus hoặc một loại ký sinh trùng của ống tiêu hóa gây nên sự tồn tại dai dẳng của các triệu chứng hội chứng ruột kích thích.

- Tăng tính nhạy cảm với đau. Các bệnh nhân có triệu chứng ruột kích thích thường tăng cảm giác đau với sự giãn ống tiêu hóa so với các bệnh nhân không có hội chứng ruột kích thích.

Lưu ý giúp giảm nhẹ triệu chứng

Bác sĩ và bệnh nhân cần thảo luận kỹ về các biện pháp điều trị cần được áp dụng, hiệu quả, chi phí để đảm bảo sự giảm nhẹ triệu chứng nhiều nhất cho bệnh nhân. Dùng thuốc cải thiện triệu chứng theo đơn thuốc của bác sĩ.

- Bệnh nhân cần hiểu rõ về bệnh và những tác nhân yếu tố có thể làm nặng thêm bệnh đặc biệt là viêm đại tràng do vi khuẩn. Việc hiểu biết rõ hơn về bệnh làm giảm thiểu những lo lắng quá mức và tránh được những cảm xúc có thể làm nặng thêm bệnh. Bệnh nhân thường có các triệu chứng đau bụng và rối loạn phân trong một thời gian khá dài và trong nhiều trường hợp bệnh thường có biểu hiện nhẹ và không đòi hỏi phải có biện pháp điều trị đặc biệt.

- Tập thói quen sinh hoạt lành mạnh: tập thể dục, giảm thiểu các tác động của stress, ghi chép sự thay đổi của triệu chứng đau bụng và đi ngoài.

- Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh: Uống nhiều nước, tránh đồ uống có caffein. Hạn chế chè và cafe dưới 3 cốc/ngày, tránh đồ uống có ga, với bệnh nhân tiêu chảy tránh các sản phẩm có chứa sorbitol và đồ uống có chất ngọt nhân tạo. Nếu bệnh nhân có đầy hơi chướng bụng nên tránh các thực phẩm có thể sinh hơi, chất xơ hòa tan với các bệnh nhân táo bón.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục