Phát hiện và phòng ngừa đột quỵ ở người cao tuổi

Linh Chi, icon
11:18 ngày 29/12/2018

VTV.vn - Đột quỵ hay còn gọi là tai biến mạch máu não thường xảy ra ở người trung niên hay người cao tuổi.

Hình minh họa.

Theo các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cơ sở 2, đột quỵ là tình trạng cục máu đông đột ngột làm tắc nghẽn động mạch não, làm cho máu không chảy đến nuôi mô não được. Có 2 dạng đột quỵ thường gặp là nhồi máu não (do nghẽn hoặc tắc mạch) hoặc chảy máu não (do vỡ mạch). Đột quỵ thường xảy ra ở người trung niên hay người cao tuổi.

Mỗi năm, nước ta có hơn 200.000 người bị đột quỵ, trong đó, hơn 50% bệnh nhân tử vong. Một số bệnh nhân đột quỵ đã không trở lại cuộc sống bình thường để lại di chứng lớn và là gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Do đó, phát hiện sớm những triệu chứng của đột quỵ, điều trị kịp thời cũng như chú ý quan tâm đến các biện pháp phòng ngừa bằng dinh dưỡng, bằng lối sống hợp lý thì tỷ lệ tử vong và biến chứng do đột quỵ sẽ giảm đi đáng kể.

Đối tượng nào dễ mắc đột quỵ?

- Những người tăng huyết áp mà không được phát hiện và điều trị, tăng huyết áp làm gia tăng gấp 4 lần nguy cơ đột quỵ so với những người không bị tăng huyết áp. Nguy cơ tử vong sẽ tăng gấp đôi khi huyết áp tối đa tăng.

- Bệnh tim mạch: bệnh van tim, thiếu máu cơ tim, rung nhĩ.

- Đái tháo đường thường gây nhồi máu não, nguyên nhân là do insulin tăng cao trong máu có thể gây tăng tuần hoàn và tăng lắng động các xơ vữa động mạch, làm cho thành mạch máu não ngày càng hẹp đi cuối cùng dẫn đến đột quỵ.

- Rối loạn lipid máu và béo phì: các nghiên cứu cho thấy nồng độ các chất mỡ trong máu và tình trạng béo phì ở các mức độ khác nhau đều làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đặc biệt là tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, dễ dẫn đến tình trạng đột quỵ.

- Ngoài ra các yếu tố khác cũng đưa đến tình trạng đột quỵ như hút thuốc lá, bệnh mạch máu ngoại biên, uống nhiều rượu bia…

Các dấu hiệu cảnh báo đột quỵ

Triệu chứng đột quỵ thường xảy ra đột ngột với rất ít những triệu chứng báo trước. Những dấu hiệu cảnh báo thường xuất hiện:

- Đột ngột đau đầu dữ dội, choáng váng, buồn nôn…

- Đột ngột xuất hiện cảm giác tê mặt, tay chân một bên hoặc liệt nửa người.

- Đột ngột nói đớ, nói khó khăn hoặc nói lẫn lộn.

- Đột ngột thấy mắt mờ hoặc không nhìn thấy hoặc nhìn đôi.

- Đi tiểu không tự chủ.

- Mất ý thức: người bệnh đột ngột lú lẫn không biết gì, khó đánh thức hoặc đột ngột hôn mê, đôi khi tử vong.

Một số người chỉ bị đột quỵ nhẹ hoặc những triệu chứng trên có thể xảy ra nhưng sau đó biến mất trong vòng 24 giờ được gọi là "cơn thoáng thiếu máu não". Thiếu máu não thoáng qua là những dấu hiệu báo trước sắp xảy ra một cơn đột quỵ nặng thực sự. Vì vậy, người bệnh cần đến khám bác sĩ để được điều trị triệt để nhằm phòng tránh mối nguy hiểm đe dọa tính mạng trong tương lai

Phòng ngừa đột quỵ

Để phòng ngừa có hiệu quả tình trạng đột quỵ, người bệnh cần chú ý đến các biện pháp phòng ngừa bằng dinh dưỡng bằng lối sống hợp lý thì tỷ lệ đột quỵ cũng như tử vong do đột quỵ sẽ giảm đi đáng kể:

- Giảm cân nếu người bệnh bị béo phì.

- Không hút thuốc lá, uống rượu.

- Ăn uống cân đối, hợp lý, không ăn nhiều chất béo bão hòa như mỡ, lòng động vật, bơ… giảm muối trong khẩu phần ăn.

- Tránh các căng thẳng, tự tạo cho mình cuộc sống thoải mái, lạc quan.

- Kiểm tra huyết áp thường xuyên, tuân thủ chặt chẽ chế độ điều trị của bác sĩ, phải dùng thuốc đều đặn hằng ngày và lưu ý các tác dụng phụ để báo cáo kịp thời với bác sĩ.

- Tăng cường tập luyện thể dục: cần có chế độ tập luyện đều đặn 40 - 45 phút/ngày và hầu hết các ngày trong tuần.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục