Phòng và điều trị ghẻ ký sinh

Văn Thành, icon
09:50 ngày 19/11/2020

VTV.vn - Ghẻ lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp giữa da người lành với da của người bị ghẻ. Nếu không được phát hiện và điều trị sớm, bệnh có thể lan toàn cơ thể.

Ghẻ ký sinh ở tay trẻ.

Ngày 16/11, anh L.H.A. (trú tại Suối Nghệ, Châu Đức, Bà Rịa - Vũng Tàu) dẫn theo 2 trẻ nhỏ đến Phòng khám chuyên khoa Ký sinh trùng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TP.HCM để khám và điều trị bệnh.

Qua thăm khám lâm sàng, các bác sĩ phát hiện trên da tay, chân các cháu có nhiều mụn nước, vết loét và bị ngứa. Anh A. nói: 2 bé có các biểu hiện này cách nay 4 - 5 tháng, anh đã đưa các cháu bé đi nhiều nơi để khám và điều trị nhưng các biểu hiện trên không giảm.

Sau khi khám lâm sàng, tiến hành soi trực tiếp vị trí bị ngứa và lở loét, phát hiện thấy nhiều trứng và cái ghẻ trưởng thành ở kẽ ngón tay của cháu bé, các bác sĩ đã chỉ định điều trị, hướng dẫn cách vệ sinh cá nhân, đồ dùng, nhà cửa… để phòng bệnh và hạn chế lây lan.

Theo các bác sĩ, cái ghẻ có tên khoa học Sarcoptes scabiei là loài ký sinh trùng giống Hominis. Cái ghẻ trưởng thành hình cầu có 8 chân, ấu trùng có 6 chân rất nhỏ nên khó có thể nhìn thấy bằng mắt thường. Chúng đẻ trứng và ký sinh trên da người và động vật, gây bệnh ghẻ.

Phòng và điều trị ghẻ ký sinh - Ảnh 1.

Hình ảnh trứng ghẻ.

Ở người trưởng thành và trẻ lớn, ghẻ thường xuất hiện ở kẽ ngón tay, các nếp gấp ở cổ tay, vùng khuỷu tay bên trong, lòng bàn chân, trong nách, lưng, mông, vùng quanh vú, xung quanh bộ phận sinh dục nam. Còn trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, vị trí nhiễm thường thấy ở: da đầu, mặt, cổ, lòng bàn tay, lòng bàn chân…

Bệnh có thể xuất hiện thành ổ dịch ở các đơn vị tập thể, vùng dân c­ư đông đúc, nhà ở chật hẹp, vệ sinh kém, lớp học… nhất là sau các vụ thiên tai, bão lụt, môi trường vệ sinh thay đổi, các yếu tố không bảo đảm, tạo ra các vụ dịch bệnh đường tiêu hóa, ngoài da cần hết sức lưu ý.

Diễn biến của bệnh ghẻ thường phức tạp do nhiễm vi khuẩn, dẫn đến sự phát triển của các vết loét da, do đó, có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng hơn như nhiễm trùng máu, bệnh tim và bệnh thận mãn tính. Nếu có các triệu chứng của bệnh ghẻ hoặc sinh hoạt tập thể có nguồn lây nên đến cơ sở y tế chuyên khoa khám phát hiện điều trị sớm, hạn chế để lại biến chứng

Duy trì việc vệ sinh hàng ngày cho trẻ bằng xà phòng hoặc sữa tắm chuyên dụng để phòng ngừa sự phát triển và lây lan của các loại ký sinh trùng trên cơ thể. Tạo thói quen rửa tay cho trẻ bằng xà phòng trước và sau bữa ăn để đảm bảo vệ sinh chung.

Phải điều trị đồng thời cho tất cả mọi người cùng bị ngứa đang sinh hoạt, chung sống trong gia đình, lớp học, ký túc xá… tránh tình trạng tái lây nhiễm lẫn nhau, trong gia đình, tập thể.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục