Phương pháp cấy chỉ catgut và ứng dụng điều trị bệnh

P.V, icon
10:19 ngày 22/11/2020

VTV.vn - Cấy chỉ là phương pháp châm cứu đặc biệt kết hợp y học cổ truyền và y học hiện đại, được tiến hành bằng cách dùng một loại protein lạ vùi vào huyệt để phòng và chữa bệnh.

Theo Khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, hiện nay phương pháp cấy chỉ thực hiện theo hướng dẫn Quy trình kỹ thuật cấy chỉ và Laser châm chuyên ngành châm cứu năm 2017 của Bộ Y tế.

Khởi đầu, người ta dùng kim cong có gắn sợi chỉ catgut làm như thắt buộc chỉ trong ngoại khoa hoặc luồn chỉ catgut qua hai huyệt (phải gây tê bằng Novocain 1% trước khi cấy chỉ 5 - 10 phút) ứng dụng trong điều trị hen phế quản và những vùng cơ bị teo.

Chỉ catgut trong quá trình tự tiêu sẽ luôn tạo ra kích thích cơ học lên huyệt, phát huy tác dụng chữa bệnh của huyệt đó. Tuy nhiên, nhược điểm là đau nhiều, khó thực hiện với trẻ nhỏ và mỗi lần cấy chỉ không được nhiều huyệt.

Thực tiễn lâm sàng quá trình áp dụng phương pháp cấy chỉ, sự sáng tạo của các y bác sĩ kết hợp với sự phát triển của vật tư y tế hiện nay, kỹ thuật cấy chỉ đã đơn giản hơn rất nhiều và được áp dụng rộng rãi trong điều trị bệnh của y học cổ truyền.

Ứng dụng điều trị bệnh của phương pháp cấy chỉ

Chỉ định: Cơ xương khớp: Hội chứng vai gáy, đau do thoái hóa khớp, đau lưng,…; thần kinh: liệt VII ngoại biên, đau thần kinh liên sườn, các chứng liệt; hô hấp - tai mũi họng: viêm mũi dị ứng, viêm mũi xoang, hen phế quản; da liễu: mày đay, vảy nến; tiêu hóa: hội chứng dạ dày - tá tràng, táo bón kéo dài...

Chống chỉ định: Các bệnh cấp cứu; cơ thể suy kiệt, phụ nữ có thai; da vùng huyệt bị viêm nhiễm hoặc mắc bệnh ngoài da; dị ứng với chỉ tự tiêu.

Cấy chỉ là một phương pháp điều trị bệnh Y học cổ truyền được áp dụng tại Việt Nam. Là một trong những lựa chọn điều trị bệnh cho bệnh nhân, đặc biệt trong các trường hợp người bệnh không thể thường xuyên đi đến cơ sở y tế. Tuy nhiên, phương pháp cần được thực hiện đúng quy trình tại các cơ sở y tế đủ tiêu chuẩn vì đây là thủ thuật có xâm lấn và yêu cầu vô trùng cao trong Y học cổ truyền.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục