Rối loạn sức khỏe tâm thần ở thanh thiếu niên

Ban Thời sự, icon
09:21 ngày 08/10/2017

VTV.vn - Theo một nghiện cứu, sức khỏe tâm thần ở trẻ em và thanh thiếu niên đang xuất hiện rất nhiều vấn đề và nếu không được quan tâm, những hậu quả nghiêm trọng sẽ tiếp diễn.

Những sự việc đau lòng xảy ra trong thời gian qua như một nữ sinh lớp 11 ở Hà Nội vừa nhảy từ tầng 25 xuống đất, một em học sinh lớp 10 cũng đã tự tử ngay trong khuôn viên Trường THPT Hòn Gai, tỉnh Quảng Ninh. Và sau nỗi xót xa cho các em là sự lo lắng thực sự về sức khỏe tâm thần cho lứa tuổi của các em.

Một nghiên cứu mới về sức khỏe tâm thần của trẻ em và thanh thiếu niên Việt Nam vừa được thực hiện bởi Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc, Bộ LĐ-TB&XH và Viện nghiên cứu phát triển Hải ngoại đã cảnh báo: sức khỏe tâm thần ở trẻ em và thanh thiếu niên nước ta đang xuất hiện rất nhiều vấn đề và nếu không được quan tâm đích đáng, những hậu quả nghiêm trọng sẽ tiếp diễn.

Nghiên cứu mới cho thấy: tỷ lệ trẻ em và vị thành niên Việt Nam bị mắc các vấn đề sức khỏe tâm thần chung là từ 8 đến 29%; tỷ lệ tự tử ở trẻ vị thành niên là 2,3%. Vấn đề sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội ở trẻ em và vị thành niên đang lan rộng và gia tăng.

Yếu tố nguy cơ tiềm tàng dẫn đến các vấn đề sức khỏe tâm thần của trẻ em được chỉ ra gồm: Một là kỳ vọng và áp lực lớn từ gia đình và nhà trường về học tập; Hai là việc tăng tiếp xúc với Internet. Cùng với đó, những tác động của hoàn cảnh gia đình, môi trường xã hội đã khiến lứa tuổi vị thành niên xuất hiện không chỉ một mà là hàng chục vấn đề tâm lý bất thường.

Bất kể ngày đêm, tổng đài tư vấn và hỗ trợ trẻ em 18001567 đều tiếp nhận các cuộc gọi từ các trẻ em và vị thành niên. Các chuyên gia đã phân loại tới 23 vấn đề khác nhau, từ quan hệ gia đình, quan hệ bạn bè, những vấn đề về nhà trường, các vấn đề giới tính, tình dục. Nhiều em gọi đến trong tình trạng gần như tuyệt vọng.

Không thể chậm trễ hơn nữa, việc hỗ trợ tâm lý cho trẻ em, cho vị thành niên phải trở thành hệ thống ở nhà trường, ở các cơ sở y tế và trung tâm công tác xã hội. Tại Hà Nội, trường THCS Ngô Sĩ Liên là một trong số rất ít trường đã sớm nhận ra vấn đề này và làm tốt việc tham vấn tâm lý học đường cho học sinh.

Việc mở những phòng tham vấn tâm lý học đường như ở trường THCS Ngô Sĩ Liên hiện nay phụ thuộc vào kinh phí đóng góp của ban phụ huynh. Có tốn kém, nhưng đó là sự tốn kém cần thiết, bởi một sự tư vấn kịp thời, có thể cứu mạng sống của cả một con người. Nhưng về lâu dài, cần nhân rộng những phòng tư vấn tâm lý này, với kinh phí của Nhà nước.

Hệ thống hỗ trợ tâm lý trẻ em như các đường dây nóng, các cán bộ trợ giúp ở cấp phường, xã cũng phải được củng cố. Và hơn hết, cha mẹ, thầy cô, phải làm tròn trách nhiệm của mình trong việc quan tâm, chăm sóc các em. Có như vậy mới giảm bớt tình trạng bất ổn về sức khỏe tâm thần của trẻ, đang ở mức báo động như hiện nay.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

Cùng chuyên mục