Sử dụng dược liệu dân gian trong phương pháp xông

Nguyễn Liên, icon
08:05 ngày 24/09/2018

VTV.vn - Phương pháp xông trong y học cổ truyền với nhiều lợi ích như trị đau đầu, đau khớp có thể thực hiện rất dễ dàng với các dược liệu tự nhiên sẵn có.

Lá sả (Hình minh họa: plantvillage.psu.edu)

Trong y học cổ truyền Việt Nam, xông là phương pháp rất độc đáo. Phương pháp này rất đơn giản để thực hiện, song lại cho hiệu quả cao đối với một số bệnh ngoại cảm (phong hàn, phong nhiệt, phong thấp).

Theo cuốn sách "Dược học cổ truyền" của Nhà xuất bản Y học do PGS.TS Phạm Xuân Sinh chủ biên, trong kho tàng dược liệu dân gian, có một số loại lá rất hay được sử dụng trong phương pháp xông. Đó là những lá có mùi thơm của tinh dầu như lá sả, cam, hương nhu, bạc hà, cúc tần hoặc lá mang tính chất giải nhiệt như lá tre, ruối, khoai lang,..  Các loại lá này thường đun sôi từ 5 đến 10 phút là có thể xông được và thường được dùng khi tiến hành xông toàn bộ cơ thể.

Sử dụng dược liệu dân gian trong phương pháp xông - Ảnh 1.

Lá bạc hà (Hình minh họa: medicalnewstoday.com).

Phương pháp tiến hành như sau:

Đặt nồi lá xông phía trước chỗ bệnh nhân ngồi trùm chăn kín, mở nắp nồi xông. Thời gian kéo dài độ 10 – 20 phút, thỉnh thoảng đảo lá xông. Hơi nước cùng hơi tinh dầu bão hòa kích thích khai mở tấu lý (lỗ chân lông), phát hãn (làm ra mồ hôi), giải biểu (đưa ngoại tà bao gồm phong, hàn, thấp, nhiệt ra ngoài cơ thể bằng đường mồ hôi).

Sau khi xông cần lau hết mồ hôi, đồng thời uống độ 50 – 100ml nước lá xông để tăng áp lực thẩm thấu, tăng giải biểu, phát hãn và lợi niệu (lợi tiểu) để giải nhiệt và bài xuất độc tố ra khỏi cơ thể. Các thành phần nhựa trong lá khoai lang, ruối,… tăng nhu nhuận của đại tràng, góp phần thải nhiệt qua đường tiêu hóa. Như vậy rõ ràng phương pháp xông sẽ giải nhiệt cơ thể theo ba đường: da (tấu lý), tiểu, đại tiện.

Tùy theo từng bệnh và vị trí bệnh, chúng ta cũng có thể tiến hành phương pháp xông cục bộ với các dược liệu dân gian khác nhau, cụ thể:

- Xông do đau đầu (đau gáy, trán, hai bên) với lá ngải cứu tươi hoặc cúc tần, hương nhu: nung một viên gạch nóng già, đặt lên trên mặt viên gạch lớp lá. Rưới lên một cốc rượu (50ml). Nhẹ nhàng đặt phía bị đau của đầu lên trên (thận trọng tránh bỏng). Trùm một khăn vuông kín đầu và viên gạch. Sau khi rượu rưới đều lên viên gạch nóng, hơi sẽ bốc lên qua lớp lá thơm cộng với sức nóng vừa phải sẽ kích thích lên da đầu làm phát hãn và giảm đau đầu (phương pháp này rất hiệu quả ngay cả với đau đầu do viêm xoang).

Sử dụng dược liệu dân gian trong phương pháp xông - Ảnh 2.

Lá ngải cứu (Hình minh họa: woodlandessence.com).

- Xông do đau khớp từ gối trở xuống hoặc tê buồn chân với lá ngải cứu, lá và dây chìa vôi (bạch phấn đằng), lá xoan chồi (lá xoan non mọc từ gốc cây hoặc đoạn cành đã bị chặt) và cành xương rồng non đã bỏ gai.: đào một hố sâu, có kích thước bằng chiểu dài của đoạn từ gối đến bàn chân hoặc dùng một thùng sắt, xô tôn có kích thước nói trên. Cùng đặt một viên gạch nung nóng già như trên xuống đáy hố, đáy thùng. Chuẩn bị các loại dược liệu đã kể phía trên. Tất cả các thứ dược liệu nên giã dập rồi trộn đều, sau giải đều lên mặt viên gạch đã nung. Rưới lên trên lớp lá đó khoảng 100ml rượu hoặc đồng tiện (nước tiểu trẻ em). Đặt nhẹ nhàng hai bàn chân lên, xông hơi nóng trong thời gian 30 phút. Lưu ý, cần đậy kín từ gối.

- Xông do trĩ trị, lòi dom với lá nhân trần hoặc lá hẹ, lá diếp cá, lá mùi: Cho một trong những thuốc xông trên vào nồi đun, bịt miệng nồi lá bằng lá chuối, chọc một lỗ nhỏ để xông vào chỗ trĩ. Cần điều chỉnh để tránh bị nóng quá.

Ngoài ra còn có nhiều cách xông khác với dược liệu dân gian như xông với sáp ong khi đau trong tai, tai có mụn bên trong, xông với bột hạt cà độc dược - xông khói khi răng sâu, đau răng. Lưu ý, hạt cà độc dược có độc nên lượng bột cũng chỉ nên lấy vừa đủ.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục