Sức khỏe sinh sản vị thành niên: Giới trẻ cần tiếp cận thế nào?

Nguyệt Ánh, icon
06:46 ngày 25/04/2013

Nhiều bạn trẻ chưa hiểu hoặc hiểu chưa đầy đủ về sức khỏe sinh sản đã dẫn tới tình trạng mang thai ngoài ý muốn và nạo phá thai ở giới trẻ ngày một tăng.

‘ Cuộc trao đổi giữa phóng viên VTV với bác sĩ Vũ Minh Phượng, Chuyên gia tư vấn sức khỏe sinh sản vị thành niên .

Theo thống kê của hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam, mỗi năm nước ta có khoảng 300.000 ca đình chỉ thai nghén ở độ tuổi từ 15 – 19 tuổi. Với con số này, Việt Nam đang dẫn đầu Đông Nam Á và xếp thứ năm trên thế giới về tỷ lệ nạo phá thai ở trẻ vị thành niên.

Trước đây, tỷ lệ nạo phá thai ở tuổi vị thành niên chỉ chiếm 5 - 7% tổng số ca nạo phá thai, tuy nhiên vài năm gần đây, tỷ lệ này tăng lên 10%. Việc mang thai ngoài ý muốn tăng một phần bởi một bộ phận giới trẻ có suy nghĩ quá dễ dãi trong quan hệ tình dục.

Thực tế đang diễn ra cho thấy vai trò quan trọng của việc cung cấp cho phụ nữ đặc biệt là trẻ em gái những kiến thức chung về kế hoạch hóa gia đình. Nếu không hiểu biết, phải đình chỉ thai nghén dù một lần hay nhiều lần cũng có nguy cơ gây hậu quả khôn lường với những tai biến nguy hiểm.

Trong cuộc trao đổi với chương trình Sức khỏe là vàng, bác sĩ Vũ Minh Phượng, Chuyên gia tư vấn sức khỏe sinh sản vị thành niên đã chia sẻ về thực trạng vấn đề sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình.

BTV: Dường như ở các em học sinh cấp 2, cấp 3 hay thậm chí bậc đại học đang rất thiếu vốn kiến thức về sức khỏe sinh sản, do vậy đã xảy ra những hậu quả đáng tiếc, bác sĩ có nhận xét gì về điều này?

Bác sĩ Vũ Minh Phượng: Từ thực tế cho thấy tỷ lệ các em gái mang thai ngoài ý muốn từ quan hệ không an toàn ngày càng tăng cao.

Có thai “ngoài ý muốn” có nghĩa bản thân các em cũng không mong muốn. Từ đó có thể thấy thực trạng các em thiếu kiến thức về sức khỏe sinh sản và kiến thức về tình dục an toàn. Khi được hỏi, các em thường trả lời “biết rồi” tuy nhiên, “biết” của các em chưa đầy đủ, chưa sâu dẫn đến hành vi mà các em thực hiện đều là những hành vi chủ quan.

BTV: Các bạn trẻ rất cần vốn kiến thức về sức khỏe sinh sản, tuy nhiên dường như bài giảng của các em trên lớp chưa thực sự mang lại kiến thức để các em hiểu và có thể phòng tránh được những điều đáng tiếc có thể xảy ra trong đời sống?

Bác sĩ Vũ Minh Phượng: Trong chương trình sinh học lớp 8, sách cũng có đưa khá nhiều nội dung về sức khỏe sinh sản vị thành niên, tuy nhiên, theo tôi những nội dung này đưa khá sâu về kiến thức chuyên môn, giống như một giáo trình chuyên ngành y về sản khoa và sức khỏe sinh sản. Ngược lại, việc những kiến thức về sức khỏe sinh sản có thể giúp các em ứng dụng trong cuộc sống hàng ngày lại hơi ít..

BTV: Với vai trò một bác sĩ tư vấn sức khỏe sinh sản vị thành niên, xin bác sĩ có thể đưa ra một ý tưởng nào đó để làm sao các em có được những kiến thức đầy đủ về sức khỏe sinh sản và đặc biệt áp dụng vào cuộc sống tốt hơn?

Bác sĩ Vũ Minh Phượng: Tôi thấy nhà trường đã rất nỗ lực để đưa những kiến thức về sức khỏe sinh sản vào trong nhà trường, tuy nhiên vấn đề chính lại là giúp các em biết cách tiếp cận như thế nào các kiến thức sức khỏe sinh sản và tình dục an toàn. Trong buổi học, nếu giáo viên chỉ đưa ra những kiến thức về sức khỏe sinh sản dưới dạng thông tin thì cũng chỉ là một bài học, học xong, thi xong thì không còn đọng lại trong đầu các em điều gì.

Tôi nghĩ việc trao đổi và giao lưu với các em về sức khỏe sinh sản nên được đưa dưới dạng tình huống, trong những tình huống đưa ra sẽ tạo điều kiện để các em được tương tác. Các tình huống này sẽ giúp các em chia sẻ kiến thức bản thân về trường hợp đó, biết tới đâu các em sẽ chia sẻ, phần thiếu sẽ được hỗ trợ bởi người hướng dẫn.

Khi các tình huống được đưa ra và có những cách giải quyết hợp lý, xem kẽ những kiến thức cơ bản quan trọng sẽ giúp các em hiểu và ghi nhớ hơn, đồng thời, khi gặp vấn đề thực tiễn trong cuộc sống các em cũng sẽ vận dụng dễ dàng hơn.

Để theo dõi toàn bộ cuộc trò chuyện, mời quý vị và các bạn theo dõi Video chương trình TẠI ĐÂY.

Cùng chuyên mục