Thiết bị cấy vào não giúp người liệt điều khiển máy tính bằng... ý nghĩ

Nhật Anh, icon
10:42 ngày 06/11/2020

VTV.vn - Một công ty ở Mỹ đã phát triển một thiết bị cảm biến, nhỏ như kẹp giấy được cấy trong não có thể giúp bệnh nhân liệt tay sử dụng những chức năng cơ bản của máy tính.

Hình: The Times UK

Công ty Synchron Inc, ở Thung lũng Silicon tại Mỹ, đã phát triển thiết bị tên Stentrode, thiết bị cảm biến đặt trong mạch máu não, bên cạnh vùng vỏ não vận động có chức năng kiểm soát hoạt động cơ thể.

Stentrode được cấy cho 3 bệnh nhân liệt trong một cuộc thử nghiệm nhỏ ở Australia và được công bố mới đây bởi các nhà khoa học từ Đại học Melbourne.

Ông O'Keefe và Felstead là hai trong số những bệnh nhân mắc bệnh xơ cứng teo cơ một bên (hội chứng ALS) đã được cấy thành công thiết bị cảm biến não. Đây là bệnh lý thoái hóa thần kinh, tế bào noron não và tủy sống dần chết đi, khiến mất kiểm soát cơ bắp.

Thiết bị cảm biến được cấy vào mạch máu não của bệnh nhân, ghi lại hoạt động của não sau đó chuyển tín hiệu đến thiết bị đặt tại ngực, rồi gửi đến máy tính. Các tín hiệu não được chuyển đổi thành cú nhấp chuột hoặc phóng to trên màn hình với sự trợ giúp của phần mềm máy học. Hai bệnh nhân thử nghiệm đầu tiên đạt được độ chính xác khi nhấp chuột trung bình lần lượt là 92% và 93%, tốc độ nhập là 14 và 20 ký tự/phút khi chức năng tiên đoán văn bản được tắt.

Dù thế, nhược điểm là các thiết bị thử nghiệm vẫn còn cồng kềnh và yêu cầu cuộc phẫu thuật não lớn. Các nhà nghiên cứu đang xem xét cách thức tiếp cận khác, ví dụ các cảm biến không xâm lấn được đặt trên hộp sọ, hoặc trong tai, hoặc bên trong các mạch máu lớn của não, nơi có thể đặt các cảm biến. Tuy nhiên, khoảng cách của cảm biến với các tế bào não sẽ tăng lên, khiến tính chính xác của cảm biến bị hạn chế.

Thiết bị này đang ở giai đoạn đầu thử nghiệm, do đó tính an toàn lâu dài cần được đánh giá trên nhiều bệnh nhân hơn. Trong đó, rủi ro lớn nhất nằm ở nguy cơ thiết bị làm vỡ mạch máu, có thể gây tử vong.

Các công ty và phòng thí nghiệm trên khắp thế giới đang chạy đua chế tạo các thiết bị tiên tiến hơn, kết hợp với trí tuệ nhân tạo có thể ghi nhận, theo dõi và giải mã hoạt động của não bộ. Các nhà khoa học thần kinh cho biết nhu cầu đang ngày một lớn, với ước tính khoảng 500.000 người mỗi năm trên toàn thế giới bị chấn thương tủy sống. Thêm vào đó, tình trạng đột quỵ cũng tăng ở những bệnh nhân trẻ mắc COVID-19.

Những phát minh này được cho là giúp hững bệnh nhân lấy lại phần nào sự tự do trong cuộc sống. Cuộc thử nghiệm thiết bị cảm biến Stentronde đã nhận được hơn một triệu USD từ chính phủ Australia để mở rộng thử nghiệm cho các bệnh viện ở New South Wales và Queensland, với hy vọng thu hút thêm bệnh nhân.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục