Thoát vị bẹn ở trẻ em - Chớ chủ quan

Linh Chi, icon
06:26 ngày 29/05/2019

VTV.vn - Thoát vị bẹn xảy ra khi có sự di chuyển của ruột, mạc nối hay buồng trứng vào trong lòng ống bẹn, có thể bị một bên hoặc cả 2 bên bẹn.

Thoát vị bẹntrẻ em là bệnh lý bẩm sinh do tồn tại bất thường ống thông từ ổ bụng xuống vùng bẹn - bìu ở con trẻ trai hay vùng bẹn - môi lớn ở trẻ gái (ống phúc tinh mạc); không teo đi như trong trường hợp bình thường mà vẫn tồn tại. Mặc dù là bệnh thường gặp nhưng nhiều trường hợp cũng hay bị bỏ quên.

Theo TS.BS Phạm Ngọc Thạch, mỗi ngày Bệnh viện Nhi Đồng 2 tiếp nhận từ 20 - 30 trường hợp trẻ đến khám về bệnh do còn tồn tại ống phúc tinh mạc và thực hiện phẫu thuật điều trị khoảng 10 trường hợp mỗi ngày. Thường khi thấy con quấy khóc, cha mẹ hiếm khi nghĩ tới thoát vị bẹn. Chỉ đến khi khối thoát vị sa xuống mà không tự lên được và bị nghẹt, trẻ đau đớn khóc thét gia đình mới đưa con đến bệnh viện. Khi đó, rất có thể ruột hoặc buồng trứng đã bị hoại tử.

Thoát vị bẹn thường có các biểu hiện:

- Khối phồng tại vùng bẹn bìu (trẻ trai) hay vùng bẹn và môi lớn âm hộ (trẻ gái).

- Khối phồng to vùng bẹn bìu hay môi lớn khi trẻ ho, khóc, rặn hay sau vận động mạnh; có thể xẹp xuống khi trẻ nghỉ ngơi, nằm yên, hay ngủ.

- Khối thoát vị có thể đau khiến trẻ quấy khóc nhưng cũng có thể không gây đau.

Cũng theo TS.BS Phạm Ngọc Thạch, phẫu thuật là phương pháp điều trị duy nhất cho thoát vị bẹn. Trẻ cần được mổ sớm, tránh các trường hợp đáng tiếc dẫn tới biến chứng nghẹt và thậm chí phải cắt bỏ tạng thoát vị bị hoại tử. Với sự phát triển vượt bật của phẫu thuật nội soi trong ngoại nhi, Bệnh viện Nhi Đồng 2 đã làm chủ được kỹ thuật nội soi và tiến hành phẫu thuật nội soi điều trị thoát vị bẹn thành công cho hơn 80 trường hợp trẻ bị thoát vị bẹn thay vì phải mổ mở như trước đây.

Đặc biệt, kết quả của phẫu thuật nội soi cho thấy sự vượt trội về tính thẩm mỹ - phẫu thuật không vết mổ - so với mổ hở. Bệnh nhân có thể về trong ngày, hạn chế được những biến chứng nặng và trầm trong như trong y văn đã báo cáo về mổ mở: cắt nhầm bàng quang, tổn thương ruột, tổn thương mạch máu … trong quá trình bóc tách mổ mở. Mặt khác, phẫu thuật nội soi giúp hạn chế phẫu thuật nhầm bên và nhất là giúp phát hiện sớm và điều trị cùng lúc những trường hợp thoát vị bẹn 2 bên. Từ đó, tránh trường hợp trẻ phải nhập viện nhiều lần, làm giảm gánh nặng chi phí điều trị cho gia đình bệnh nhi.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục