Tiêm phòng vaccine HPV giúp giảm gánh nặng ung thư cổ tử cung

P.V, icon
03:07 ngày 27/04/2019

VTV.vn - Theo số liệu báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), chỉ trong năm 2018, cả thế giới ghi nhận 570.000 ca mắc ung thư cổ tử cung.

Hình minh họa.

Ung thư cổ tử cung là loại ung thư phổ biến, đứng thứ 4 về số ca mắc mới và thứ 6 về số ca tử vong do ung thư ở nữ giới. Mỗi năm, căn bệnh này cướp đi sinh mạng của trên 300.000 phụ nữ.

Tại Việt Nam, theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, ung thư cổ tử cung là một trong những bệnh phổ biến nhất ở phụ nữ, đặc biệt trong độ tuổi 30 trở lên.

Đây là loại bệnh mà tế bào ung thư thường xuất phát từ vùng chuyển tiếp nơi tiếp nối tế bào biểu mô vẩy và tế bào biểu mô trụ của cổ tử cung. Tuy nhiên, triệu chứng của bệnh thường khá mờ nhạt, dễ nhầm lẫn với các bệnh phụ khoa khác. Do đó, nhiều trường hợp phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn, bệnh nhân phải phẫu thuật cắt bỏ một phần hay toàn bộ tử cung. Điều này nhiều khả năng tước bỏ quyền làm mẹ của người phụ nữ. Bệnh cũng có nguy cơ gây tử vong khi ở giai đoạn cuối.

Các yếu tố nguy cơ của ung thư cổ tử cung bao gồm quan hệ tình dục sớm hoặc với nhiều người, sinh nhiều con, vệ sinh sinh dục không đúng cách, viêm cổ tử cung mạn tính, nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục, điều kiện dinh dưỡng, kinh tế xã hội thấp; hút thuốc lá, đái tháo đường, sử dụng thuốc tránh thai đường uống loại phối hợp kéo dài trên 10 năm... Nếu không có các can thiệp sàng lọc, dự phòng và điều trị ung thư cổ tử cung thì tỷ lệ mắc mới và chết do ung thư cổ tử cung sẽ gia tăng. Hiện nay, biện pháp tiêm phòng vaccine HPV được coi là một hoạt động quan trọng trong phòng ngừa ung thư cổ tử cung.

Ưu điểm nổi bật của phương pháp tiêm vaccine ngừa virus HPV là biện pháp dự phòng chủ động áp dụng cho những đối tượng khỏe mạnh, chưa có tổn thương tiền ung thư cổ tử cung. So với việc sàng lọc để chờ tổn thương xuất hiện và điều trị sớm, thì dự phòng bằng vaccine để ngăn lây nhiễm virus từ sớm có hiệu quả cao và tích cực hơn. Bên cạnh đó, số lần can thiệp về phụ khoa đối với người đã tiêm ngừa sẽ thấp hơn nhiều so với người chưa tiêm ngừa. Điều này có thể giúp người tiêm tiết kiệm nhiều thời gian, chi phí và công sức đi lại và đem lại sự ổn định về tâm lý.

Ở Việt Nam, từ năm 2008, Bộ Y tế đã cấp phép lưu hành vaccine ngừa 4 chủng virus HPV (6, 11, 16, 18), nguyên nhân gây ra ung thư cổ tử cung, ung thư âm hộ, âm đạo và mào gà sinh dục. Vaccine phòng HPV được khuyến cáo tiêm cho phụ nữ độ tuổi từ 9 đến 26, tốt nhất là 11 đến 12 tuổi, không quan tâm là đã có quan hệ tình dục hay chưa. Vaccine đạt hiệu quả cao nhất khi tiêm phòng trước lần quan hệ tình dục đầu tiên. Liều tiêm được chỉ định 3 liều, liều thứ 2 cách liều thứ nhất tối thiểu một tháng và liều 3 cách liều 2 tối thiểu 3 tháng.

Các chuyên gia Bệnh viện K khuyến cáo: nếu chị em có các dấu hiệu như ra khí hư âm đạo màu vàng, có mùi khó chịu hoặc khí hư có nhầy máu; ra máu âm đạo bất thường; ra máu âm đạo sau quan hệ tình dục; đau tức vùng bụng dưới; đi tiểu, đi ngoài ra máu khi ung thư xâm lấn bàng quang, trực tràng... thì cần phải đến ngay bệnh viện chuyên khoa để khám và điều trị.

Để phòng tránh và phát hiện sớm nhất bệnh ung thư cổ tử cung, cùng với tiêm phòng virus HPV, chị em cũng cần đi khám phụ khoa định kỳ và làm xét nghiệm sàng lọc ung thư cổ tử cung theo chỉ định của bác sĩ. Phương pháp sàng lọc, phát hiện sớm ung thư là phương pháp tốt nhất giúp phát hiện những bất thường, dấu hiệu tiền ung thư, hoặc ung thư giai đoạn sớm, trước khi bệnh gây ra các triệu chứng và cơ hội điều trị thành công cao.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục