Chủ động tiêm ngừa phòng ung thư cổ tử cung

Tuấn Bảo, icon
11:03 ngày 02/03/2019

VTV.vn - Ung thư cổ tử cung là một trong những nguyên nhân tử vong hàng đầu trong các loại ung thư ở phụ nữ.

Hình minh họa.

Nhiễm HPV là nguyên nhân gây ung thư cổ tử cung. Có nhiều loại HPV gây ung thư cổ tử cung, trong đó HPV type 16 và 18 là hai loại thường gặp nhất (nguyên nhân của khoảng 70% trường hợp có nguy cơ mắc bệnh).

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Cúc, Khoa Phụ sản, Bệnh viện Quốc tế City, phụ nữ khi đã quan hệ tình dục thì trên 80% tỷ lệ có nguy cơ nhiễm HPV ít nhất một lần trong đời. Để phòng ngừa, chị em phụ nữ nên đi chủng ngừa vaccine. Đối tượng nên chích ngừa là trong độ tuổi từ 9 đến 26 tuổi chưa có quan hệ tình dục. Trong đó, hiệu quả chủng ngừa tốt nhất là từ 11 đến 14 tuổi. Sau khi chủng ngừa thì giảm được 70% nguy cơ ung thư cổ tử cung.

Cũng theo bác sĩ Nguyễn Thị Cúc, một khi phụ nữ bị nhiễm virus HPV thì không phải ai cũng bị ung thư cổ tử cung, nhưng về lâu dài, tỷ lệ khoảng 80% có thể tự đào thảo, 20% tiềm ẩn nguy cơ bị nhiễm cao. Vì vậy, bác sĩ khuyến cáo: các bé gái từ độ tuổi 9 đến 25 tuổi có thể dự phòng, phát hiện sớm và điều trị khỏi ung thư cổ tử cung bằng tiêm phòng vaccine chống virus HPV; sử dụng các biện pháp quan hệ tình dục có bảo vệ (bao cao su cho nam và nữ); khám và điều trị các bệnh lý viêm nhiễm phụ khoa; sàng lọc phát hiện những tổn thương tiền ung thư, ung thư, xét nghiệm HPV; sinh thiết những tổn thương nghi ngờ nếu phát hiện.

Các nghiên cứu cho thấy, virus này thường lây qua đường tình dục và có thể nhiễm ngay từ lần quan hệ tình dục đầu tiên. HPV lây nhiễm qua tiếp xúc da, niêm mạc dương vật với niêm mạc cổ tử cung, âm đạo. Bệnh âm thầm trải qua các giai đoạn từ lúc nhiễm HPV, gây nên những biến đổi bất thường ở tế bào cổ tử cung, các tổn thương tiền ung thư rồi đến ung thư, quá trình này kéo dài âm thầm, nhiều năm. Do đó, phụ nữ mắc ung thư cổ tử cung thường được phát hiện ở lứa tuổi từ 35 - 55.

Ngoài HPV, các yếu tố khác phối hợp có thể tăng nguy cơ mắc bệnh như: nhiều bạn tình; vệ sinh kém, mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục do nhiễm Trichomonas, Chlamydiae trachomatis, Herpes simplex virus type; hút thuốc lá; tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư cổ tử cung.

Hiện có hai loại vaccine HPV, trong đó vaccine chỉ định tiêm cho bé gái và phụ nữ từ 9 - 26 tuổi giúp phòng ngừa ung thư cổ tử cung, âm hộ, âm đạo, các tổn thương tiền ung thư hoặc loạn sản, mụn cóc sinh dục và các bệnh lý do 4 type virus HPV 6, 11, 16 và 18. Hoặc vaccine HPV khác có hiệu quả phòng ung thư cổ tử cung do 2 type virus HPV 16 và HPV 18 gây nên, được chỉ định tiêm cho các bé gái và phụ nữ ở độ tuổi 10 - 25.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục