Ứng phó với bệnh zona khi chuyển mùa

Minh Đức, icon
06:00 ngày 26/10/2018

VTV.vn - Bệnh zona thần kinh có khả năng lây lan cao trong thời điểm thời tiết giao mùa mưa nhiều như hiện nay, người dân cần trang bị những kiến thức cần thiết để đề phòng.

Bệnh zona thần kinh là bệnh truyền nhiễm tuy lành tính, nhưng nếu không có biến chứng thì có thể tự khỏi trong vòng 2 - 3 tuần và chỉ để lại những vết thẫm màu trên da. Nhưng nếu không biết cách điều trị, chăm sóc thì căn bệnh này có thể gây nhiều biến chứng, thậm chí dễ dàng lây truyền từ người này sang người khác.

Bệnh zona có thể lây từ người bệnh qua người lành bằng cách thông qua việc tiếp xúc thông thường như dùng chung khăn mặt, khăn tắm... với người bệnh. Do đó, bệnh dễ dàng lây lan cho những người trong gia đình. Bệnh có thể phát triển mạnh vào mùa hè, mùa mưa do tiếp xúc hoặc sinh hoạt chung với những người mắc bệnh. Khi bị nhiễm virus zona, người bệnh có biểu hiện sốt 38-39˚C, đau mình mẩy, đau nhức đầu, người mệt mỏi... Thời gian ủ bệnh zona có thể từ 7-20 ngày. Bệnh khởi đầu là những mụn rộp trên nền da màu đỏ, những mụn nước mới tiếp tục hình thành từ 3-5 ngày. Mụn nước, bọng nước mọc thành chùm, trải dọc theo khu vực của dây thần kinh và thường chỉ ở một nửa bên người.

Biến chứng thường gặp nhất là đau dây thần kinh sau zona, các cơn đau đôi khi kéo dài cả năm sau khi vết thương trên da đã lành. Nhiều trường hợp bị biến chứng gây bội nhiễm da, tạo thành mụn mủ loét sâu, viêm màng não, viêm tụy cắt ngang, xuất huyết giảm tiểu cầu... do điều trị bệnh muộn và sai cách. Nguy hiểm hơn, khi zona tấn công dây thần kinh tam thoa ở mặt, mụn nước sẽ mọc trên mặt, trong miệng và mắt, tổn thương vào dây thần kinh thị giác sẽ gây mù mắt, bệnh tấn công vào tai có thể làm giảm thính lực.

Bệnh zona thường gặp ở mọi lứa tuổi, trừ trẻ sơ sinh nhưng xảy ra ở người lớn nhiều hơn, có tới gần 70% người bị zona trên 45 tuổi. Người có sức đề kháng kém hoặc đang dùng các hóa chất tiêu diệt tế bào ung thư, thuốc ức chế miễn dịch, người suy giảm miễn dịch... là những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao.Người bệnh cần phải tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ trong quá trình điều trị. Tuyệt đối không điều trị theo mách bảo như: đắp đỗ xanh, gạo nếp hoặc các lá thuốc nam, ngậm rồi phun một loại chất lỏng lên vùng tổn thương da. Cách làm đó không chữa được bệnh mà còn tăng nguy cơ bội nhiễm da, gây loét, kích ứng da...

Bác sĩ Phạm Hồng Lãnh (BV Da liễu TƯ) cho biết, bệnh zona là bệnh lành tính nên người bệnh không cần quá sợ hãi, nếu phát hiện bệnh nên thăm khám kịp thời, tuân thủ dùng thuốc theo hướng dẫn. Bên cạnh đó, để kiểm soát bệnh và chữa trị được tốt hơn thì nên lưu ý không được tự tiện dùng thuốc hoặc áp dụng nhiều mẹo dân gian, rất dễ gây nhiễm trùng cho vết thương; cần kiêng các loại đồ cay nóng, chất kích thích; nên giữ vùng da bị tổn thương được sạch sẽ và khô ráo; hạn chế cọ vào vết thương bằng cách mặc các loại quần áo rộng và thoáng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục