Ung thư tuyến giáp và các phương pháp điều trị

Minh Khương, icon
06:12 ngày 29/08/2022

VTV.vn - Ung thư tuyến giáp là bệnh lý ác tính chiếm 1 - 2% trong tất cả các loại ung thư, nhưng chiếm tỷ lệ 90% trong nhóm ung thư tuyến nội tiết.

Thăm khám cho một bệnh nhân. Ảnh: BVCC

Theo Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh), ung thư tuyến giáp là một trong những bệnh thường gặp ở vùng đầu, mặt, cổ ở cả nam và nữ giới, bệnh thường không có dấu hiệu rõ ràng nên âm thầm di căn đến nhiều bộ phận khác.

Tuy nhiên, ung thư tuyến giáp có tỷ lệ chữa khỏi lên đến 90%, đây được cho là bệnh có tỷ lệ chữa khỏi cao nhất so với các loại ung thư khác nếu được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời.

Tỷ lệ mắc ở nữ giới cao hơn nam giới. Theo Globocan, ung thư tuyến giáp xếp thứ 9 trong các loại ung thư ở nữ với hơn 160.000 ca mắc mới mỗi năm, nam giới với gần 50.000 ca mỗi năm. Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ mắc ung thư tuyến giáp cao trên thế giới.

Điều trị ung thư tuyến giáp dựa vào từng thể mô bệnh học cụ thể, bệnh thường có tiên lượng tốt do bệnh tiến triển chậm, có thể phẫu thuật và đáp ứng với điều trị iod. Trên thực tế vẫn còn bỏ sót một tỷ lệ bệnh nhân không được chẩn đoán hoặc chẩn đoán ở giai đoạn muộn dẫn đến những biến chứng nguy hiểm. Vì vậy, việc có những kiến thức cần thiết về nguyên nhân và dấu hiệu sớm để phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm là vô cùng quan trọng.

Ung thư tuyến giáp xảy ra khi những tế bào bình thường ở tuyến giáp biến đổi thành những tế bào bất thường và phát triển không tuân theo sự kiểm soát của cơ thể. Tuyến giáp là một tuyến nội tiết nằm ở giữa cổ, gồm 2 thùy nối với nhau qua eo giáp trạng, có chức năng tiết ra hormone giúp cơ thể tăng trưởng và phát triển.

Ung thư tuyến giáp có nhiều loại khác nhau: hay gặp là ung thư tuyến giáp nhú, thể tủy, thể không biệt hóa, trong đó thể tủy và thể không biệt hóa có tiên lượng xấu hơn. Tuy nhiên, ung thư tuyến giáp đặc biệt là thể biệt hoá là bệnh ung thư tiên lượng rất tốt.

Ung thư tuyến giáp và các phương pháp điều trị - Ảnh 1.

Phẫu thuật ung thư tuyến giáp cho bệnh nhân. Ảnh: BVCC

Các nguyên nhân gây bệnh ung thư tuyến giáp:

Hệ miễn dịch bị rối loạn: Đây được xem là nguyên nhân đầu tiên gây nên căn bệnh nguy hiểm này. Đối với những người khỏe mạnh, hệ miễn dịch có tác dụng sản xuất ra các kháng thể có tác dụng giúp cơ thể chống lại sự xâm nhập của các virus, vi khuẩn gây hại từ môi trường sống xung quanh. Khi hệ miễn dịch bị rối loạn, chức năng đó sẽ bị suy giảm, tạo cơ hội cho các loại vi khuẩn, virus có hại tấn công vào cơ thể, bao gồm cả tuyến giáp. Do đó, hệ miễn dịch bị rối loạn không chỉ là nguyên nhân gây ung thư tuyến giáp mà còn là điều kiện thuận lợi cho sự hình thành và phát triển của các bệnh lý nguy hiểm khác.

Nhiễm phóng xạ: Cơ thể có thể bị nhiễm phóng xạ từ bên ngoài khi dùng tia phóng xạ để điều trị bệnh hoặc bị nhiễm vào bên trong cơ thể qua đường tiêu hóa và đường hô hấp do i-ốt phóng xạ.

Trẻ em rất nhạy cảm với các tia phóng xạ, do đó, các bậc phụ huynh nên hạn chế việc cho trẻ tiếp xúc với các nguồn tia phóng xạ để bảo đảm sức khỏe cho trẻ và hạn chế nguy cơ mắc bệnh.

Yếu tố di truyền: Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng: có khoảng 70% bệnh nhân ung thư tuyến giáp có người thân trong gia đình (bố, mẹ, anh chị em,...) đã từng mắc bệnh. Tuy nhiên, hiện nay các nhà khoa học vẫn chưa thể tìm ra được gen nào dẫn tới sự di truyền này.

Yếu tố tuổi tác, thay đổi hormone: Bệnh nhân mắc căn bệnh này chủ yếu nằm trong độ tuổi từ 30-50 tuổi. Phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 2 - 4 lần so với nam giới. Sự chênh lệch này là do yếu tố hormone đặc thù ở phụ nữ và quá trình mang thai đã kích thích quá trình hình thành bướu giáp và hạch tuyến giáp. Hoặc trong giai đoạn sau sinh, nhiều phụ nữ bị viêm tuyến giáp sau sinh, điều này cũng là do sự thay đổi nội tiết trong cơ thể gây suy giáp tạm thời ở phụ nữ sau thời kỳ thai nghén.

Mắc bệnh tuyến giáp: Những bệnh nhân bị bướu giáp, bệnh basedow hoặc hormone tuyến giáp mãn tính có nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp cao hơn những người khác. Hoặc những người đã từng mắc bệnh viêm tuyến giáp, dù đã điều trị khỏi nhưng nguy cơ tái phát bệnh rất cao.

Ngoài những nguyên nhân gây bệnh ung thư tuyến giáp được kể trên, các nhà khoa học cũng đã chỉ ra nhiều nguyên nhân, yếu tố khác cũng có nguy cơ gây nên ung thư tuyến giáp như: bị thiếu i-ốt, uống rượu thường xuyên trong thời gian dài, thói quen hút thuốc lá, thừa cân béo phì.. tính chất gia đình và di truyền.

Việc nhận biết dấu hiệu của bệnh càng sớm sẽ giúp ích cho việc điều trị kịp thời và tỷ lệ trị khỏi hoàn toàn cao hơn. Ung thư tuyến giáp có thể xuất hiện từ từ, tăng dần, triệu chứng của ung thư tuyến giáp bao gồm:

Triệu chứng sớm:

- Xuất hiện khối u ở cổ: có thể dễ dàng phát hiện dấu hiệu này do tuyến giáp nằm ở phía trước vùng cổ. Khối u có đặc điểm cứng, bờ rõ, bề mặt có thể nhẵn hay gồ ghề, di động theo nhịp nuốt.

- Có hạch vùng cổ: hạch thường nhỏ, mềm, di động và cùng bên với khối u.

Triệu chứng muộn:

- Khối u to, rắn, cố định trước cổ.

- Khàn tiếng, có thể khó thở do khối u to dần lên chèn ép vào thanh quản, khí quản.

- Khó nuốt, nuốt vướng, do u chèn ép vào thực quản.

- Da vùng cổ có thể bị thâm nhiễm hoặc sùi loét chảy máu.

Thông thường bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân ung thư tuyến giáp một hoặc nhiều phương pháp điều trị như sau:

Phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp là phương pháp quan trọng nhất trong điều trị ung thư tuyến giáp, phẫu thuật cắt bỏ một phần hay toàn bộ tuyến giáp tùy vào từng trường hợp cụ thể. Tuy nhiên, phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến giáp kết hợp với nạo vét hạch cổ là phương pháp điều trị tối ưu nhất.

Với tất cả các trường hợp khối u tuyến giáp có chỉ định phẫu thuật thì sinh thiết tức thì trong mổ là phương pháp giúp phẫu thuật viên quyết định cách thức phẫu thuật cho phù hợp.

Chỉ định cắt toàn bộ tuyến giáp kết hợp với nạo vét hạch cổ trong các trường hợp sau:

Với ung thư giáp trạng không biệt hóa, nếu như còn khả năng phẫu thuật trên cơ sở đánh giá giai đoạn trước phẫu thuật kỹ. Nếu không còn khả năng phẫu thuật thì đôi khi buộc phải sử dụng các phẫu thuật điều trị triệu chứng như mở khí quản hay mở thông dạ dày, sau đó chỉ định tia xạ và hóa trị.

Với ung thư tuyến giáp biệt hóa, sẽ chỉ định cắt giáp toàn bộ khi có một trong các yếu tố tiên lượng xấu hoặc ung thư tuyến giáp tái phát, vét hạch cổ khi phát hiện hạch trên lâm sàng, dựa trên các phương tiện chẩn đoán hình ảnh và thăm khám kiểm tra đánh giá tổn thương trong phẫu thuật.

Với các trường hợp ung thư tuyến giáp thể tủy, đa số tổn thương đa ổ, mức độ ác tính, tỷ lệ tái phát tại chỗ cao và thường có di căn hạch vùng từng giai đoạn sớm. Do đó, phương pháp điều trị là cắt tuyến giáp toàn bộ, vét hạch cổ và xạ trị bổ trợ.

Ngoài những trường hợp chỉ định cắt giáp toàn bộ, người bệnh được cân nhắc chỉ định cắt tuyến giáp gần toàn bộ hoặc cắt thùy và eo giáp.

Điều trị I131 là phương pháp điều trị bổ trợ giúp tiêu diệt những tế bào ung thư còn sót lại hoặc những tổn thương di căn xa.

Xạ trị và hóa trị ít có giá trị với ung thư tuyến giáp thể biệt hóa, thường được sử dụng đối với ung thư tuyến giáp thể không biệt hóa và ung thư tuyến giáp thể tủy.

Liệu pháp hormone: chỉ định sau khi điều trị I131 hậu phẫu, hay sau khi cắt toàn bộ tuyến giáp hoặc có di căn lan tràn sau khi điều trị triệt căn thất bại.

Liệu pháp tăng cường hệ miễn dịch tự thân là liệu pháp giúp người bệnh ung thư củng cố hệ miễn dịch để kích thích các tế bào miễn dịch hoạt động, tăng khả năng nhận diện và tấn công tế bào ung thư, tăng hiệu quả điều trị.

Các bác sĩ khuyến cáo rằng bạn nên đến khám 3 tháng/lần trong hai năm đầu, 1 năm/lần trong những năm kế tiếp để kiểm tra xem bệnh có quay trở lại hay không. Các xét nghiệm bao gồm: khám lâm sàng, siêu âm tuyến giáp, chụp x-quang ngực, siêu âm ổ bụng, xét nghiệm máu.

Bạn nên xem xét kĩ các dấu hiệu của bệnh đã được liệt kê ở trên. Nếu bạn có các triệu chứng đó, có thể bệnh đã quay trở lại. Hãy đến khám lại sớm nhất có thể.

Ngoài ra, bạn cần chú ý nếu có bất kì tác dụng phụ của thuốc, hãy trao đổi cho bác sĩ sớm nhất có thể. Ngoài ra, quay lại khám đúng hẹn cũng là điều hết sức quan trọng.

Để phòng bệnh ung thư tuyến giáp, bác sĩ khuyến cáo người dân cần thực hiện các bệnh pháp sau.

- Tránh tiếp xúc với các chất, tia phóng xạ.

- Khi cơ thể có các biểu hiện lạ như: mệt mỏi không rõ nguyên nhân, tăng cân đột ngột, cơ thể trở nên nhạy cảm hơn… cần đến khám tại các cơ sở y tế, vì đây là biểu hiện của rối loạn hormone tuyến giáp.

- Thường xuyên tự kiểm tra vùng cổ để kịp thời phát hiện các khối u bất thường.

- Chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý. Duy trì cân nặng ở mức hợp lý.

- Nếu trong gia đình có tiền sử người thân bị mắc căn bệnh này thì cần khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm bệnh và điều trị kịp thời.

- Chế độ ăn: dùng muối iod , sử dụng các thực phẩm giàu iod như tảo, rong biển, hải sản, ăn các loại thực phẩm giàu magie tốt cho tuyến giáp như hạt điều, hạch nhân...

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục