Vai trò của nước ối đối với sự phát triển của thai nhi

P.V, icon
10:29 ngày 16/09/2019

VTV.vn - Nước ối là dịch thể bao bọc thai nhi, giúp thai nhi tránh khỏi những va chạm bên ngoài, tham gia vào sự trao đổi chất của thai nhi, giúp mẹ tránh cơn đau do thai nhi đạp.

Hình minh họa (Ảnh: americanpregnancy.org).

Vai trò của nước ối

Theo các bác sĩ sản khoa, Bệnh viện Quốc tế City, nước ối có vai trò như một lớp đệm, giúp bảo vệ thai nhi và giúp cho thai nhi phát triển.

Trong giai đoạn đầu, nước ối được hình thành do sự thẩm thấu của huyết thanh mẹ qua màng ối, hoặc thẩm thấu của huyết thanh con qua da thai nhi.

Trong giai đoạn sau, từ lúc thai nhi được 10 - 12 tuần tuổi, nước ối được hình thành do nước tiểu tiết ra từ thận và dịch từ phổi của thai nhi.

Khi được 16 - 32 tuần, lượng nước ối đạt từ 250 - 800ml, rồi tăng lên 1.000ml và duy trì cho đến khi thai nhi 36 tuần tuổi (bác sĩ có thể tính lượng nước ối qua siêu âm). Từ thời điểm này đến lúc sinh, lượng nước ối sẽ giảm dần đi và còn lại độ chừng 500ml lúc sinh. Do vậy, nếu thai càng già tháng, thì lượng nước ối càng ít đi.

Những biểu hiện bất thường

Sự bất thường của nước ối có thể diễn ra cấp tính hay mạn tính; do nguyên nhân sinh lý, hay bệnh lý; và có thể bất thường về khối lượng, hay chất lượng. Nếu bất thường về khối lượng thì bao gồm tình trạng thiểu (ít) nước ối, đa (nhiều) nước ối.

Tình trạng thiểu ối có thể nhận biết qua siêu âm. Nguyên nhân thường là do thai già tháng, mẹ thiếu nước do sinh lý, hoặc do bệnh lý như: mẹ bị rối loạn biến dưỡng, bệnh lý mạch máu, thai bị suy dinh dưỡng, thai nhẹ cân…

Thiểu ối có thể gây các nguy cơ cho thai nhi như biến dạng chi, biến dạng cơ mặt, thai nhẹ cân. Nếu dẫn đến tình trạng không còn nước ối thì có thể gây chết thai trong bụng mẹ.

Trong lúc người mẹ chuyển dạ, thiểu ối có thể gây chèn ép rốn nặng gây nguy hiểm, hay tử vong thai nhi, và lúc này gây khó khăn cho bà mẹ trong lúc chuyển dạ.

Nếu bị nhiều nước ối, thai phụ có thể thấy bụng to lên nhanh, bụng căng khó chịu. Nguyên nhân gây đa ối có thể do đa thai; mẹ có bệnh lý mạch máu, thai bất thường, bệnh lý nhau thai…

Đa ối có thể gây nguy cơ cho thai nhi như thai bất thường, sa dây rốn khi vỡ ối hoặc lúc chuyển dạ, có thể tử vong. Còn với mẹ, thì đa ối cấp tính có thể dẫn đến chuyển dạ sinh non, khó thở cấp. Nếu đa ối mạn tính có thể gây băng huyết sau sinh, nhau bong non…

Vì vậy, khi mang thai, người mẹ cần theo dõi định kỳ để đảm bảo chất lượng nước ối. Nếu có bất thường cần đến khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa để có hướng xử trí thích hợp. Các bác sĩ đánh giá chất lượng nước ối qua màu sắc của dịch ối.

Thường thì nước ối của thai non tháng không màu. Thai càng lớn, chất gây bám trên da thai nhi bong ra nên nước ối có màu trắng đục. Nếu nước ối có màu trắng trong, trắng đục thì tốt; nhưng nếu nước ối có màu xanh, màu vàng thì không tốt.

Trong lúc mẹ chuyển dạ, nếu bác sĩ thấy nước ối có nhiều phân xu sẽ có hướng xử lý thích hợp, vì lúc này có thể em bé bị ngạt do thiếu ôxy.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục