Viêm niêm mạc miệng - Tác dụng phụ thường gặp khi xạ trị ung thư đầu cổ

Linh Chi, icon
07:44 ngày 13/05/2019

VTV.vn - Hầu như tất cả các bệnh nhân đã trải qua quá trình điều trị xạ trị ung thư đầu cổ đều không thể tránh khỏi tình trạng viêm niêm mạc miệng do tia xạ.

Hình minh họa.

Theo các chia sẻ của bác sĩ Đỗ Tất Cường, Khoa Xạ trị, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, quá trình điều trị ung thư đầu mặt cổ, vai trò của xạ trị chiếm ưu thế rất lớn trong điều trị triệt căn và điều trị bổ trợ sau phẫu thuật hoặc sau hóa trị liệu. Trong một nghiên cứu của Trotti và cộng sự: xạ trị thông thường gây ra tỷ lệ viêm niêm mạc miệng lên đến 97%, xạ trị tăng phân liều gây viêm niêm mạc miệng ở 100% các bệnh nhân, hóa xạ trị đồng thời gây ra 89% viêm niêm mạc miệng. 

Một nghiên cứu khác trên 450 bệnh nhân ung thư đầu cổ được điều trị bằng xạ trị có hoặc không có kết hợp với hóa chất cho thấy: có 83% bệnh nhân bị viêm niêm mạc miệng (mức độ nhẹ chiếm 19%, mức độ trung bình chiếm 35%, mức độ nặng chiếm 28%).

Viêm niêm mạc miệng gây cho bệnh nhân đau miệng, khó nuốt, khô miệng, ăn kém lâu ngày dẫn đến mất nước, suy dinh dưỡng và giảm chất lượng cuộc sống. Viêm niêm mạc miệng làm gián đoạn quá trình xạ trị và điều trị bổ trợ - do đó có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của điều trị xạ trị.

Các yếu tố liên quan đến tình trạng viêm niêm mạc miệng

- Liều lượng xạ trị có liên quan mật thiết đối với tình trạng viêm niêm mạc miệng: một liều xạ trị cao vào khoang miệng (ví dụ: trong ung thư vòm, ung thư thanh quản, ung thư hạ họng, ung thư khoang miệng…) với liều xạ trên 50Gy, nguy cơ viêm niêm mạc miệng tăng lên rất nhiều.

- Xạ trị phối hợp với hóa chất (hóa xạ trị đồng thời) đặc biệt các thuốc như Cisplaitin, Paclitaxel làm tăng nguy cơ viêm niêm mạc miệng. Các phương thức xạ trị tăng phân liều (xạ trị 2 lần/ngày) có nguy cơ làm tăng tác dụng viêm niêm mạc miệng của tia xạ.

- Các yếu tố của người bệnh có liên quan đến tăng tình trạng viêm niêm mạc miệng: bệnh nhân trẻ tuổi, hút thuốc, uống rượu, răng kim loại, bệnh nha chu, chỉ số khối cơ thể thấp, tình trạng chức năng kém, bạch cầu thấp, bệnh tiến triển, tiền sử viêm niêm mạc nặng.

Triệu chứng viêm niêm mạc miệng

Dấu hiệu ban đầu của viêm niêm mạc miệng do sự giãn nở của mao mạch ở lớp nội mô và giảm độ dày biểu mô. Bệnh nhân sẽ thấy niêm mạc miệng của mình đỏ lên, có thể xuất hiện một mảng màu trắng do tăng số lượng tế bào sừng thoáng qua trước khi ban đỏ. Bệnh nhân chủ yếu không có triệu chứng hoặc phàn nàn về cảm giác nóng rát nhẹ hoặc mất vị giác với gia vị hoặc thức ăn nóng trong giai đoạn đầu này.

Tiếp sau giai đoạn này là giai đoạn xuất huyết được theo sau bởi sự hình thành giả mạc, sau đó là trợt và loét. Dưới lớp giả mạc, bề mặt dễ bị xuất huyết khi va chạm nhẹ. Tổn thương loét này gây cho bệnh nhân đau rất nhiều, cảm giác đau dữ dội và cản trở việc nhai, uống, nói. Việc không ăn uống được sẽ làm cho bệnh nhân giảm cân nhiều. Khi niêm mạc miệng bị tổn thương, việc bội nhiễm vi khuẩn hoặc virus, nhiễm nấm khi xảy ra, bội nhiễm tình trạng viêm niêm mạc miệng sẽ trở nên nặng nề hơn rất nhiều và khó điều trị.

Phòng viêm niêm mạc miệng do tia xạ

Vệ sinh răng miệng là rất quan trọng để ngăn ngừa viêm niêm mạc miệng. Tất cả các bệnh nhân cần được bác sĩ hướng dẫn về vệ sinh răng miệng đúng cách trước khi bắt đầu điều trị:

- Làm sạch răng bằng kem đánh răng và bàn chải đánh răng mềm sau mỗi bữa ăn và trước khi đi ngủ, sử dụng kem đánh răng có vị nhẹ hoặc dung dịch 1 muỗng cà phê muối thêm vào 4 cốc (1 lít) nước (nếu không hợp với bất cứ loại kem đánh răng nào).

- Sử dụng chỉ nha khoa mỗi ngày một lần.

- Khám chuyên khoa răng hàm mặt để tìm các tổn thương của răng miệng có ảnh hưởng đến quá trình xạ trị, cần điều trị các tổn thương này trước khi xạ trị 4 - 6 tuần.

- Súc miệng 2 - 4 lần/ngày. Lấy 1 muỗng canh (15 ml) nước súc miệng, ngậm trong khoang miệng trong 30 giây, sau đó nhổ ra.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục