Việt Nam - Một trong những nước có số người nhiễm viêm gan B nhiều nhất thế giới

Tuấn Bảo, icon
11:50 ngày 20/05/2018

VTV.vn - Xâm nhập cơ thể và phá hủy chức năng gan một cách từ từ, triệu chứng lại không rõ ràng khiến bệnh viêm gan B được xem là một trong những căn bệnh nguy hiểm nhất hiện nay.

Một bệnh nhân đang điều trị viêm gan B tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Đắk Lắk

Viêm gan B được mệnh danh là kẻ giết người thầm lặng, bởi virus gây viêm gan B có thể tồn tại rất lâu trong cơ thể con người mà không bị phát hiện. Các biểu hiện khi mắc bệnh rất mờ nhạt, khó nhận biết và dễ gây nhầm lẫn với các bệnh khác, như: chán ăn, mệt mỏi, rối loạn tiêu hóa… Với những biểu hiện dễ nhầm lẫn đó, nên những người nhiễm viêm gan B đều không biết mình mắc bệnh. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc khả năng lây nhiễm sang cho người khác là rất cao, như: khi quan hệ tình dục không an toàn, mang thai, tiếp xúc máu hoặc chất dịch cơ thể người mắc.

Theo thống kê, Việt Nam hiện là một trong những nước có số người nhiễm viêm gan B nhiều nhất trên thế giới với 10-15% dân số mắc bệnh. Trong đó, có khoảng 5 triệu người bị biến chứng viêm gan mạn tính, xơ gan hoặc ung thư gan. Mặc dù là căn bệnh hết sức nguy hiểm nhưng hiện nay người dân đều chủ quan, không chú trọng đến việc khám sức khỏe định kỳ. Nhiều trường hợp phát hiện bệnh chủ yếu là tình cờ đi khám bệnh hoặc tham gia hiến máu tình nguyện... Thậm chí, có những trường hợp đã phát hiện bệnh nhưng lại không quan tâm đến việc điều trị bệnh.

Theo bác sĩ Phạm Hồng Lâm - Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện đa khoa tỉnh Đắk Lắk: năm 2017 và quý I năm 2018, khoa điều trị cho 350 bệnh nhân mắc bệnh viêm gan B mạn tính. Trong số đó, có khoảng 60% bệnh nhân đến bệnh viện điều trị khi bệnh có những dấu hiệu: vàng mắt, vàng da, men gan tăng cao, sức khỏe suy giảm.

Cũng theo bác sĩ Lâm, bệnh viêm gan B diễn tiến thầm lặng, biểu hiện qua hai giai đoạn: cấp tính và mạn tính. Viêm gan B cấp tính thường có biểu hiện giống như cảm cúm, thỉnh thoảng có cảm giác buồn nôn, sụt cân, ăn kém ngon, ngứa khắp người. Nặng hơn có thể gặp các triệu chứng, như: sốt, vàng da, vàng mắt, đau bụng, đau khớp, đau cơ, nước tiểu có màu vàng sậm. Khi chuyển sang viêm gan B mạn tính, người bệnh hầu như không có triệu chứng và luôn cảm thấy sức khỏe bình thường, đôi khi hay mệt mỏi, chán ăn.

Việc điều trị viêm gan B là ngăn chặn các biến chứng xơ gan, suy gan, ung thư gan. Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay là người dân không có ý thức trong việc kiểm tra sức khỏe định kỳ, đến khi điều trị lại không kiên trì, không tuân thủ phác đồ điều trị, khiến viêm gan B dễ biến chứng thành xơ gan, ung thư gan.

Do đó, các bác sĩ khuyến cáo, bệnh viêm gan B cần được phát hiện sớm và điều trị kịp thời để tránh những tổn thương nặng nề cho gan. Khi thấy cơ thể có những dấu hiệu bất thường cần đến ngay cơ sở y tế để thăm khám, làm các xét nghiệm cần thiết.

- Để phòng bệnh viêm gan B, mọi người nên tiêm ngừa vaccine viêm gan B khi chưa mắc bệnh.

- Đối với trẻ sơ sinh cần được tiêm chủng viêm gan B trong vòng 24 giờ sau khi sinh và tiêm các mũi tiếp theo theo sự hướng dẫn của cán bộ y tế.

- Với trẻ sinh ra từ người mẹ nhiễm viêm gan B, ngay khi trẻ vừa chào đời, cần ngay lập tức tiêm huyết thanh chống viêm gan B. Sau đó, mới kết hợp tiêm vaccine viêm gan B theo lộ trình, biện pháp này có thể nâng tỷ lệ ngăn ngừa thành công mắc viêm gan B cho trẻ lên đến 97%.

- Đối với những người đã mắc bệnh viêm gan B, cần xây dựng cho mình một chế độ ăn uống, dinh dưỡng hợp lý để cải thiện những tổn thương gan và hồi phục nhanh chóng hơn. Duy trì luyện tập thể thao hàng ngày, để kiểm soát cân nặng của bản thân nhằm phòng tránh các bệnh lý gan khác phát sinh. Đặc biệt cần tuân thủ và kiên trì với phác đồ điều trị của bác sĩ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục