Có 7,8 triệu người nhiễm viêm gan B tại Việt Nam

Lê Thạch, icon
06:32 ngày 23/04/2018

VTV.vn - Theo thống kê từ năm 2010-2016, cả nước có hơn 24.000 người mắc ung thư gan, trong đó, do viêm gan B chiếm 62,28%.

Hình minh họa

Theo BSCKII Nguyễn Nguyên Huyền, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương: tại Việt Nam, sự lây truyền viêm gan B chủ yếu theo đường dọc, tức là từ mẹ sang con, có tới 90% trẻ nhiễm viêm gan B do mẹ truyền sang con và với trẻ dưới 5 tuổi mắc viêm gan B sẽ diễn biến thành mạn tính.

Đối với các trường hợp lây truyền viêm gan B theo sự lây truyền ngang: trẻ em - trẻ em, do kim tiêm, quan hệ tình dục, nhân viên y tế và truyền máu; Có 6% trẻ em nhiễm viêm gan B trên 5 tuổi sẽ diễn biến thành mạn tính. Đối với người trưởng thành, 90% có thể chữa khỏi viêm gan B.

Tỷ lệ lưu hành viêm gan B ở nước ta cao, năm 2015 là mức 10%. Tỷ lệ nhiễm viêm gan B ở trẻ em trước năm 1998 là 12,5% đối với trẻ 9-18 tháng, đối với trẻ 4-6 tuổi là 18,4%. Tuy nhiên, tỷ lệ nhiễm viêm gan B đã giảm xuống 3,64% ở trẻ sinh giai đoạn năm 2000-2003 và 1,64% ở trẻ sinh năm 2007-2008; đây là hiệu quả của chương trình tiêm vaccine phòng viêm gan B.

Trước sự nguy hiểm của viêm gan B, công tác dự phòng lây truyền là hết sức quan trong, đặc biệt là từ mẹ sang con. Với người mẹ khi mang thai, tiêm vaccine phòng viêm gan B, huyết thanh kháng viêm gan B và tiêm cho trẻ sau sinh trong 12 giờ đầu thì 99,9% có thể phòng viêm gan B cho con. Nếu chỉ thực hiện đủ 2/3 bước thì tỷ lệ lây truyền viêm gan B từ mẹ sang con là 70%.

Theo thống kê của Bộ Y tế tháng 7/2017, ước tính có 43.230 ca được chẩn đoán và đang điều trị viêm gan B, số người được tiếp cận điều trị viêm gan B còn hạn chế nhiều so với nhu cầu.

Đơn cử 1 trường hợp bệnh nhân 44 tuổi đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, bệnh nhân hoàn toàn không có biểu hiện gì của viêm gan B, lúc thăm khám chỉ có triệu chứng mệt mỏi. Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân bị viêm gan B, sau đó, người mẹ và hai đứa con của bệnh nhân cũng phát hiện mắc viêm gan B.

Việc chẩn đoán, điều trị và dự phòng viêm gan B còn gặp nhiều khó khăn:

- Chẩn đoán và điều trị chưa được triển khai tại tất cả các tỉnh thành

- Năng lực cán bộ y tế trong chẩn đoán và điều trị tại tuyến tỉnh/huyện còn hạn chế

- Bảo hiểm chi trả 80% kinh phí chẩn đoán, điều trị viêm gan B, tuy nhiên phụ thuộc vào trần bảo hiểm và chính sách của các địa phương, các tuyến điều trị.

- Xét nghiệm đo tải lượng viêm gan B không có sẵn tại nhiều tỉnh.

- Chuyển tuyến bảo hiểm y tế đối với bệnh viêm gan B đã được thực hiện nhưng còn nhiều bất cập.

- Giá thuốc điều trị tại Việt Nam còn cao.

- Việc theo dõi lâu dài, hỗ trợ tuân thủ điều trị chưa được chú trọng.

- Dự phòng lây truyền viêm gan B từ mẹ sang con chưa được quan tâm.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục