Ngân hàng tư nhân hiến kế tăng trưởng tín dụng an toàn

P.V (tổng hợp)-Thứ hai, ngày 23/09/2024 13:27 GMT+7

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

VTV.vn - Tại buổi làm việc của Thủ tướng với các ngân hàng TMCP về các giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước vào chiều 21/9, nhiều đề xuất đã được đưa ra.

Thủ tướng cho biết, đến nay, chúng ta vẫn giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn. Tuy nhiên, vừa qua, cơn bão số 3 đã gây thiệt hại nặng nề do cường độ cao, tốc độ nhanh, gió giật mạnh, hoành hành lâu trên đất liền, hoàn lưu bão gây mưa lũ trên diện rộng, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản, hơn nữa bão lũ cũng gây việc ngưng trệ sản xuất, kinh doanh, ảnh hưởng lớn kinh tế vĩ mô.

Thủ tướng mong các ngân hàng đề xuất các chính sách mới thích ứng tình hình, trong đó có chính sách đối với những doanh nghiệp, người dân bị thiệt hại trong cơn bão lũ; đồng thời hiến kế giải pháp liên quan tăng trưởng tín dụng, lãi suất hợp lý với tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân, doanh nghiệp...

Tại hội nghị, các đại biểu thẳng thắn đánh giá, nợ xấu và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu của hệ thống ngân hàng có xu hướng tăng, nguy cơ tăng sau khi tiếp tục chính sách cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ; sức hấp thụ vốn tín dụng của doanh nghiệp và người dân thấp; áp lực đối với tín dụng ngân hàng tiếp tục tăng cao; thị trường bất động sản chưa hồi phục và ổn định ảnh hưởng tới nhiều ngành vệ tinh cũng như cầu tiêu dùng về nhà ở; kinh tế thế giới tăng trưởng chậm, diễn biến phức tạp, lãi suất còn ở mức cao tác động đến mặt bằng lãi suất, tỷ giá trong nước. Đặc biệt, tình hình thiên tai, bão lũ gây thiệt hại lớn, ảnh hưởng đến đời sống, hoạt động sản xuất, kinh doanh của khách hàng, dẫn đến hoạt động của các Ngân hàng thương mại cũng khó khăn.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Kim Byoungho, Chủ tịch HĐQT HDBank cho biết, để hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng của bão lũ, HDBank dự kiến dành gói tín dụng ưu đãi 10.000 tỷ đồng với mức lãi suất thấp hơn thông thường 1-2%. Ngân hàng cũng sẽ giảm 1% lãi suất của các khoản vay hiện hữu phục vụ sản xuất kinh doanh của khách hàng. Đối với các khoản vay sản xuất kinh doanh mới, lãi suất sẽ được giảm 2% trong 3 tháng đầu tiên so với lãi suất hiện hành, hoặc 0% cho tháng đầu tiên.

Cán bộ nhân viên HDBank và các công ty con, công ty liên kết sẽ ủng hộ 1 ngày lương, với tổng số tiền lên tới 30 tỷ đồng để hỗ trợ đồng bào bị thiệt hại bởi bão, lũ.

Ngân hàng tư nhân hiến kế tăng trưởng tín dụng an toàn - Ảnh 1.

Ông Kim Byoungho, Chủ tịch HĐQT HDBank

Song song, HDBank đã đăng ký giải ngân cho các lĩnh vực lâm, thủy sản và chương trình nhà ở xã hội tổng cộng 7.000 tỷ đồng. Tới năm 2030, HDBank dự kiến giải ngân 100 nghìn tỷ đồng cho các dự án nhà ở xã hội, với mục tiêu tài trợ vốn xây mới 200.000 căn nhà.

Bám sát chỉ đạo của Thủ tướng về tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, huy động tối đa các nguồn lực cho phát triển, lãnh đạo HDBank nêu một số đề xuất.

Thứ nhất, về tăng trưởng tín dụng, đại diện HDBank đề nghị SBV trên cơ sở cân đối các mục tiêu điều hành, tiếp tục rà soát tình hình trong quý IV để xem xét giao thêm chỉ tiêu cho các tổ chức tín dụng có năng lực cung ứng vốn tốt.

HDBank cũng đề xuất tái triển khai các chương trình tín dụng tiêu dùng hỗ trợ đời sống công nhân các khu công nghiệp, khu chế xuất tương tự gói 20 nghìn tỷ đồng từng triển khai trong năm 2023, để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong mùa cao điểm cuối năm.

Thứ hai, HDBank mong muốn tiếp tục đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn vướng mắc về pháp lý, thủ tục hành chính để doanh nghiệp mở rộng sản xuất kinh doanh. Thông tin cho thấy không ít doanh nghiệp đang gặp vướng mắc về pháp lý, thủ tục phê duyệt, hơn là khả năng tiếp cận vốn sau khi lãi suất cho vay đã giảm sâu và việc xét cấp tín dụng được tinh gọn.

Thứ ba, hiện tỷ lệ nợ xấu trong hệ thống còn ở mức cao, do đó, để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi bão, lũ, Chính phủ nên xem xét việc gia hạn hiệu lực của thông tư Thông tư 06 về cơ cấu giữ nguyên nhóm nợ tới sau ngày 31/12/2024 với các hướng dẫn cụ thể hơn về giãn, hoãn, thời hạn trả nợ.

Đồng thời, nới room tín dụng phục vụ cho các chương trình nhà ở xã hội, nông nghiệp nông thôn, hỗ trợ người dân phục hồi sau bão.

"Mặc dù còn nhiều thách thức ở phía trước, chúng tôi tin tưởng rằng kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng cao và bền vững nhờ sự chỉ đạo sát sao và những giải pháp thiết thực của Chính phủ, các bộ ngành và Ngân hàng Nhà nước", Chủ tịch HDBank kỳ vọng.

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, trong hơn 8 tháng đầu năm 2024, bám sát chủ trương của Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động theo sát diễn biến kinh tế trong và ngoài nước để triển khai đồng bộ các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, tháo gỡ khó khăn và phục hồi sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn với ốn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, an toàn hoạt động hệ thống tổ chức tín dụng.

Trong đó, Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, cân đối hài hòa lãi suất và tỷ giá, chỉ đạo tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ thanh khoản hệ thống tổ chức tín dụng; đẩy mạnh triển khai các giải pháp đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, tăng khả năng tiếp cận tín dụng, các chương trình tín dụng ngành, lĩnh vực; Hoàn thiện hành lang pháp lý trong hoạt động cấp tín dụng, góp phần nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng ngân hàng, hỗ trợ khách hàng gặp khó khan trong hoạt động tín dụng; Đấy mạnh triển khai các giải pháp chuyển đổi số hoạt động ngân hàng, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt nhằm phát triển các sản phẩm, dịch vụ ứng dụng công nghệ, đảm bảo hoạt động liên tục, thông suốt, an toàn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước