OTT không phép nhởn nhơ kiếm bộn tiền: Hãy nói không với cái sai!

Thùy An-Thứ tư, ngày 06/01/2021 06:36 GMT+7

VTV.vn - Các doanh nghiệp OTT Việt đang đứng trước một cuộc chơi không cân sức. Trong khi người dùng Việt đối diện những nguy cơ về thông tin độc, xấu.

Hàng nghìn tỷ đồng đang nuôi dưỡng hoạt động phi pháp

Với tỷ lệ dân số trẻ, tỷ lệ người dùng internet lên đến 70% với phần lớn sở hữu smartphone, Việt Nam được xem là một thị trường đầy hấp dẫn cho các nền tảng OTT xuyên biên giới (Over The Top Televison - giải pháp cung cấp nội dung cho người sử dụng dựa trên nền tảng internet).

Các kênh OTT không phép đang kiếm tiền tại Việt Nam như thế nào?

Giữa năm ngoái, thống kê của App Annie cho thấy, chỉ tính riêng trên điện thoại dùng hệ điều hành Android, Netflix hiện đang có 1,6 triệu người dùng dịch vụ tại Việt Nam. Trong khi đó, theo thông tin từ đại diện của nền tảng này, cộng đồng Netflix chỉ có 150.000 thành viên. 

Cũng theo thống kê, WeTV có hơn 630.000 người dùng, iQiYi có hơn 445.000 người dùng. Song đây chỉ là các con số thống kê trên điện thoại Android, trong khi các dịch vụ nêu trên được dùng chủ yếu trên tivi thông minh, nghĩa là số người dùng tại Việt Nam thực tế của các dịch vụ nêu trên có thể lớn hơn rất nhiều.

Cũng theo App Annie, các dịch vụ này đều có lượng người dùng gia tăng gần như đột biến kể từ thời điểm dịch bệnh COVID-19 hoành hành tại Việt Nam. Chẳng hạn, Netflix có lượng smartphone Android cài đặt lên đến 3,5 triệu vào tháng 4/2020 - thời điểm giãn cách xã hội tại Việt Nam.

Hàng nghìn tỷ đồng đang nuôi dưỡng các OTT không phép

Thống kê sơ bộ từ Bộ Thông tin Truyền thông, hàng nghìn tỷ đồng tiền thuê bao đã chảy về túi của những kênh OTT không phép như NetFlix, iQiYi, WeTV…

Chưa kể, các ứng dụng OTT xuyên biên giới không phép này còn tiếp tục mở rộng nguồn thu bằng việc thu hút quảng cáo của chính các nhãn hàng Việt. Thông thường, một nhãn hàng sẽ ký hợp đồng sẽ chuyển video quảng cáo cho đại lý, sau đó đăng tải video lên website, ứng dụng mà họ hợp tác. Trong đó ưu tiên các kênh giá rẻ - thường là không phép để nhanh chóng đạt số lượng views đã cam kết với nhãn hàng. Không chỉ xuất hiện trên các kênh không phép, quảng cáo của các nhãn hàng thậm chí còn xuất hiện ngay bên cạnh những quảng cáo cờ bạc, cá độ xuyên biên giới.

Theo báo cáo của Appota, gần 1/2 số doanh nghiệp tại Việt Nam đã tăng đầu tư vào quảng cáo trên di động nâng tổng mức chi tiêu lên khoảng 210 triệu USD trong năm 2020 và dự báo tiếp tục tăng thêm gần 20 triệu USD trong năm sau. Doanh nghiệp và thị trường Việt Nam đang trở thành mục tiêu hút tiền của các "khủng long" OTT xuyên biên giới. Điều này tiềm ẩn hàng loạt nguy cơ cho nền kinh tế.

OTT không phép nhởn nhơ kiếm bộn tiền: Hãy nói không với cái sai! - Ảnh 3.

Ảnh chụp màn hình quảng cáo trên ứng dụng IQIYI của Trung Quốc

"Việc các đơn vị quảng cáo, các thương hiệu trong nước trả tiền cho các OTT lậu dẫn đến 2 cái nguy hiểm. Thứ nhất là OTT lậu có nguồn thu để tiếp tục phát triển, cạnh tranh với OTT trong nước. Và hai là trả tiền cho OTT lậu thì cũng là tiếp tục tiếp tay cho việc truyền bá các nội dung không bản quyền, không được kiểm duyệt tốt và chắc chắn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến các thương hiệu", ông Lê Trọng Đức – Giám đốc FPT Play cho biết.

OTT Việt trước nguy cơ thua ngay trên sân nhà

Trước sự bành trướng ngày một lớn của những OTT không phép, những doanh nghiệp OTT Việt đang đứng trước nguy cơ thua ngay trên chính sân nhà của mình.

Tháng 9/2020, Hiệp hội Truyền hình thu phí (VNPayTV) đã gửi đơn cầu cứu Thủ tướng nhằm kiểm soát sự phát triển của dịch vụ OTT xuyên biên giới. Theo VNPayTV, dịch vụ truyền hình OTT nói chung thực chất là các video nội dung chương trình truyền hình. Hiện nay hầu như tất cả các đài truyền hình và các đơn vị truyền hình trả tiền, đơn vị viễn thông trong nước đều có ứng dụng truyền hình OTT này và đã được sự quản lý nội dung theo Luật Báo chí, Luật Điện ảnh. Tuy nhiên, dịch vụ truyền hình OTT xuyên biên giới của các đơn vị nước ngoài hoạt động tại Việt Nam như Netflix, WeTV, iFlix, Amazon TV… lại chưa được quản lý về nội dung như các OTT trong nước .

"Hiệp hội Truyền hình thu phí (VNPayTV) gửi đơn cầu cứu Thủ tướng nhằm kiểm soát sự phát triển của dịch vụ OTT xuyên biên giới"

Các doanh nghiệp truyền hình trong nước hiện đang gặp phải khó khăn rất lớn từ các OTT xuyên biên giới. OTT xuyên biên giới vừa có thế mạnh về công nghệ lại vừa giàu tiềm lực tài chính cũng như nội dung. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm hơn cả là các OTT xuyên biên giới hiện nay lại phải không tuân thủ các các quy định pháp luật Việt Nam trong lĩnh vực này như giấy phép, đóng thuế, phí và kiểm duyệt nội dung, trong khi các doanh nghiệp trong nước thì chấp hành rất nghiêm chỉnh.

Vừa yếu về nội dung, tiềm năng tài chính lại vừa phải tuân thủ các cơ chế chặt chẽ, dẫn đến sức cạnh tranh của các truyền hình OTT Việt Nam "yếu" đi rất nhiều.

OTT không phép nhởn nhơ kiếm bộn tiền: Hãy nói không với cái sai! - Ảnh 5.

Các OTT nội chấp hành mọi quy định của pháp luật ngày càng kém cạnh tranh trước những OTT xuyên biên giới không phép (Ảnh minh họa)

"Cái quan trọng là truyền hình trong nước thì phải chấp hành nhiều quy định về thuế phí, nghĩa vụ ngân sách với nhà nước... Trong khi các OTT xuyên biên giới thì vừa không bị kiểm duyệt nội dung lại không chịu nghĩa vụ thuế nên họ bán giá rẻ và người xem bị thu hút. 

Nếu như năm 2016 thị phần của họ là 10% thì nay đã là 50% thậm chí hơn 50% ở một số địa bàn đô thị", ông Lê Đình Cường - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam cho biết.

Siết OTT xuyên biên giới

Theo ông Lê Đình Cường, Nhà nước cần phải tạo hành lang pháp lý bình đẳng giữa dịch vụ trong nước và ngoài nước trong lĩnh vực OTT. Ông Cường đề nghị phải sớm ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2016/NĐ-CP về Quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình.

Cụ thể, các đơn vị nước ngoài cung cấp dịch vụ OTT xuyên biên giới cũng cần thực hiện đầy đủ các thủ tục đăng ký để được cấp phép hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Về nội dung, phải được biên tập, biên dịch và chịu cơ chế kiểm duyệt chặt chẽ của các cơ quan chức năng, bảo đảm không để xảy ra sai sót; tránh những thủ đoạn lợi dụng các dịch vụ xuyên biên giới để truyền bá thông tin sai lệch, xuyên tạc lịch sử, văn hóa của Việt Nam. Ngoài ra, cũng cần áp dụng đầy đủ các quy định của pháp luật về thuế tương tự như các doanh nghiệp trong nước. Hành lang pháp lý cần đóng vai trò điều tiết, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ OTT truyền hình, đồng thời, là căn cứ để kiên quyết xử lý những doanh nghiệp khi để xảy ra sai phạm.

OTT không phép nhởn nhơ kiếm bộn tiền: Hãy nói không với cái sai! - Ảnh 6.

Hiện rất nhiều các quốc gia đã siết chặt hoạt động của các OTT xuyên biên giới

Việc cơ quan quản lý nhiều quốc gia siết chặt quản lý các OTT xuyên biên giới không phải là một câu chuyện mới mẻ.

Ngày 11/11/2020, các cơ quan chức năng Ấn Độ đã bắt đầu áp dụng các biện pháp quản lý ứng dụng cung cấp dịch vụ trực tuyến như Netflix, Amazon Prime và các nền tảng OTT khác. Theo đó, các ứng dụng trên sẽ được đặt dưới sự quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông Ấn Độ.

Trước đó tại Indonesia, năm 2019, chính phủ nước này đã buộc các dịch vụ OTT xuyên biên giới như Amazon, Google, Netflix, Spotify phải đóng 10% thuế giá trị gia tăng trên tổng doanh số. Còn Singapore đã áp 7% thuế đối với Netflix, Spotify và Amazon Prime; đồng thời, để đủ điều kiện kinh doanh, Netflix phải bắt tay với nhà mạng lớn nhất nước này là Singtel. Thái Lan cũng đưa các dịch vụ OTT vào khung quản lý dạng cấp phép để đánh thuế theo cơ chế thuế của chính phủ.

Hãy nói không với cái sai!

Theo các chuyên gia công nghệ, trên internet, việc lựa chọn hiển thị hay không hiển thị quảng cáo của mình ở đâu là hoàn toàn có thể thực hiện được. Tuy nhiên, việc giá thành rẻ vẫn là lý do cho nhiều đại lý, agency đẩy thương hiệu của khách hàng lên các kênh không phép, nội dung độc hại một cách bất chấp.

"Với các agency, đầu tiên họ cần doanh số, họ cần sống đã, họ cần phát triển cho nên họ không quan tâm đến trung hạn và dài hạn, họ không quan tâm đến vấn đề uy tín. Trong khi với các nhãn hàng, ngoài giá rẻ, họ còn đưa ra nhiều yêu cầu quá khắt khe và vô lý đối với các agency. Điều này dẫn đến agency phải lựa chọn nhiều cách (trong đó có việc tìm đến các OTT không phép) để hoàn thành yêu cầu khách hàng", ông Lê Viết Hải Sơn – Phó TGĐ Tập đoàn Novaon cho biết.

OTT không phép nhởn nhơ kiếm bộn tiền: Hãy nói không với cái sai! - Ảnh 7.

Dòng tiền trong nước cứ chảy vào các OTT ngoại không phép không chỉ đơn giản là thất thoát thuế, tác động tiêu cực đến thị trường nội dung số mà còn là nhiều nguy cơ về văn hoá và chủ quyền biên giới quốc gia (Ảnh: clearcode)

Tuy nhiên theo Chủ tịch Tập đoàn truyền thông Lê - Lê Quốc Vinh, cách làm nói trên sẽ ảnh hưởng đến thương hiệu của các agency cũng như nhãn hàng trong dài hạn.

"Tôi cho rằng, tính chính trực là quan trọng nhất nếu như thương hiệu đó muốn xây dựng uy tín dài hạn. Về khía cạnh nào đó của một doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam mà lại giúp cho các doanh nghiệp khác trốn thuế thì đấy là một hành vi bất minh và chúng ta cũng cũng phải lên án những cái hành vi như vậy", ông Vinh cho biết.

Tính chính trực là quan trọng nhất nếu như thương hiệu đó muốn xây dựng uy tín dài hạn

Trong khi đó, theo Phó Cục trưởng Cục PTTH & TTĐT, Bộ Thông tin & Truyền thông – Lê Quang Tự do thì cả những người cung cấp dịch vụ quảng cáo cũng như người mua quảng cáo phải có trách nhiệm làm sao để quảng cáo của mình không được gắn vào những nơi mà không phù hợp với quy định pháp luật Việt Nam.

Trước khi những quy định về hành lang pháp lý mới được áp dụng, các chuyên gia cho rằng trách nhiệm quốc gia của các doanh nghiệp sẽ là yếu tố mang tính quyết định bởi nếu dòng tiền trong nước cứ chảy vào các OTT ngoại không phép không chỉ đơn giản là thất thoát thuế, tác động tiêu cực đến thị trường nội dung số mà còn là nhiều nguy cơ về văn hoá và chủ quyền biên giới quốc gia.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước