Năm 2016, yêu cầu đặt ra với chính sách tiền tệ ở mức cao hơn trong bối cảnh kinh tế thế giới ngày càng có nhiều biến động bất thường,
Đã có thời, người ta ví lạm phát của Việt Nam như “con ngựa bất kham”. Mức lạm phát leo lên đỉnh điểm trên 18% năm 2011. Sang những năm tiếp theo, lạm phát đã được khống chế và kiểm soát. Kết thúc năm 2015, con số này đã về dưới 1%, tức là giảm hơn 18 lần trong vòng 3-4 năm qua. Kết quả từng được cho là khó khả thi trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều bất ổn.
Ông Nirukt Sapru - Giám đốc điều hành Ngân hàng Standard Chartered tại Việt Nam nhận định: “Kết thúc năm 2015, lạm phát của Việt Nam đã đạt được mục tiêu đề ra. Việt Nam trở thành một điểm sáng khi mà chân dung của nền kinh tế thế giới thật sự rất nhiều rủi ro như các vấn đề ở Trung Quốc, giá dầu giảm rất sâu, suy thóai của châu Âu - một trong những thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam hay sự tăng giá của đồng USD. Niềm tin của người dân và doanh nghiệp cả trong và ngoài nước thật sự đã được củng cố”.
Năm qua, đã có thời điểm tỷ giá VND/USD tăng kịch trần một cách nhanh chóng. Nguyên nhân chủ yếu là do diễn biến tâm lý trước những biến động của kinh tế thế giới như việc giảm giá liên tục của đồng Nhân dân tệ hay việc điều chỉnh tăng lãi suất đồng USD của Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED). Tuy nhiên, những diễn biến này đã được lường trước nên hầu như không gây cú sốc lớn cho thị trường tiền tệ trong nước.
Bà Victoria Kwakwa - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam phân tích: “Khi nói về vai trò của chính sách tiền tệ trong giảm thiểu tác động từ các cú sốc ta cần gắn chính sách tiền tệ với chính sách tỷ giá được điều hành theo thị trường hơn, tạo ra các tấm đệm nhằm làm giảm nhẹ tác động. NHNN đã quyết định thay đổi từ điều chỉnh tỷ giá theo giai đoạn sang hàng ngày. Mặt bằng lãi suất thị trường tiếp tục giảm khoảng 0,2-0,5%/năm, qua đó hỗ trợ tích cực cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là các lĩnh vực công nghệ cao, nông nghiệp nông thôn”.
Bước sang năm 2016, các tổ chức quốc tế cho rằng hệ thống ngân hàng Việt Nam tiếp tục chịu áp lực về nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Hiện, hệ thống ngân hàng mới chỉ đáp ứng được nhu cầu vốn trong ngắn hạn. Các đơn vị sẽ phải cân đối nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, thị trường nhưng vẫn phải đảm bảo các chỉ tiêu hoạt động an toàn.
Theo ông Nirukt Sapru, thách thức trong thời gian tới là Việt Nam làm sao để có thể tiếp tục kiểm soát lạm phát ở mức thấp dưới 5%. Đây cũng là một thách thức đối với nhiều nền kinh tế trong năm nay vì giá cả hàng hóa, trong đó có giá dầu, có thể sẽ tăng lên, một mặt điều này giúp cải thiện thâm hụt tài khóa nhưng mặt khác lại làm gia tăng lạm phát.
Duy trì và kiểm soát lạm phát ở mức thấp, ổn định tỷ giá, hỗ trợ tăng trưởng cho nền kinh tế đạt mức khoảng 7% là trọng trách không hề dễ dàng mà cơ quan điều hành chính sách tiền tệ, cụ thể là Ngân hàng nhà nước, phải thực hiện để tiếp nối và duy trì những kết quả đã đạt được trong 5 năm qua.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online