Chỉ trong 3 năm, CTCP Mỏ và xuất nhập khẩu khoáng sản miền Trung tăng vốn từ 2,2 tỷ đồng lên 310 tỷ đồng, tăng khoảng 150 lần. Thế nhưng, chưa đầy 2 tháng lên sàn UPCOM, giá trị cổ phiếu đã giảm 6 lần, từ 14.700 đồng/cổ phiếu xuống còn 2.600 đồng/cổ phiếu. Điều này khiến nhiều nhà đầu tư ngỡ ngàng. Liệu đây có phải là một công ty “ma” ?
Theo tìm hiểu, CTCP mỏ và xuất nhập khẩu khoáng sản miền Trung có mã chứng khoán MTM trên sàn UPCOM đã bị tố là sao chép hình ảnh của một công ty khác để công bố trên thị trường chứng khoán. Câu hỏi mà các nhà đầu tư đã đổ hàng tỷ đồng vào cổ phiếu này là đây có phải là một ý đồ được sắp đặt trước để lên sàn UPCOM bán giấy lộn cho nhà đầu tư hay không?
Để tìm hiểu tình hình hoạt động của MTM, nhóm phóng viên tìm đến Chi cục Thuế thành phố Vinh, nơi công ty này đăng ký hoạt động. Khi mới nghe tên doanh nghiệp, vị đại diện Chi cục nhắc ngay tới việc doanh nghiệp này đã từng bỏ cơ sở kinh doanh, chây ì trong việc nộp báo cáo thuế và đã từng bị cơ quan thuế thu hồi mã số thuế vào đúng thời điểm cổ phiếu này lên sàn UPCOM. Từ năm thành lập 2007 đến nay gần 10 năm hoạt động, nhưng phải tới 2/3 số thời gian trên, doanh nghiệp không phát sinh doanh thu.
Báo cáo thuế của doanh nghiệp này cho thấy số lao động của công ty là chỉ vỏn vẹn từ 5 đến 10 người, khác xa với con số 112 người mà công ty công bố cho các nhà đầu tư. Thật khó lý giải vì sao một doanh nghiệp khai thác mỏ có vốn điều lệ 310 tỷ đồng mà lao động chỉ vỏn vẹn đếm trên đầu ngón tay.
Tìm đến Sở Tài nguyên và môi trường Nghệ An, nơi cấp giấy phép khai thác mỏ cho MTM, đại diện Sở khẳng định, trong 4 năm từ 2008-2013, sở này không hề ghi nhận hoạt động khai thác mỏ nào từ phía MTM. Còn đến 2013, giấy phép khai thác mỏ này đã hết hạn. Trước hàng loạt các thông tin công bố cho nhà đầu tư gian dối so với thực tế như vậy, các chuyên gia chứng khoán nhận định MTM có dấu hiệu của một công ty trên giấy.
Dù có quá nhiều bất thường trong hồ sơ đăng ký giao dịch, nhưng điều đáng ngạc nhiên là “con voi MTM” vẫn có thể dễ dàng chui qua “ lỗ kim” của các quy định trên sàn UPCOM. Câu hỏi đặt ra là Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội, nơi quản lý sàn UPCOM, đã kiểm tra thông tin doanh nghiệp công bố như thế nào mà để lọt lên sàn một công ty có dấu hiệu lừa đảo nhà đầu tư như vậy? Quyền lợi của nhà đầu tư trong trường hợp này sẽ được xử lý ra sao? Các quy định hiện hành phải chăng đang tạo ra những kẽ hở?
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online