Tuần qua, số người chết vì nắng nóng ở Ấn Độ đã lên đến con số hơn 1.800 người và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến mùa màng, cũng như sản xuất nông nghiệp. Không chỉ ở Ấn Độ, những đợt nắng nóng nghiêm trọng đang diễn ra tại nhiều nơi trên thế giới. Những quốc gia như Brazil, Mỹ hay Australia đang phải đối mặt với đợt hạn hán kéo dài chưa từng có trong suốt nhiều thập niên qua.
Tại Mỹ, hiện người dân bang Califfornia đang phải vật lộn với đợt hạn hán nghiêm trọng nhất trong khu vực này, trong vòng 1.200 năm qua. Một số công ty công nghệ đã đề xuất, tái chế nước thải sinh hoạt thành nước uống trước nguy cơ cạn kiệt nguồn nước.
Tại Brazil, người dân đang phải đối mặt với đợt hạn hán tồi tệ nhất trong hơn 80 năm qua. Các chuyên gia ước tính, hạn hán sẽ là một trong những yếu tố quan trọng có thể khiến nền kinh tế Brazil không tăng trưởng trong năm nay, thậm chí rơi vào suy thoái.
Tại Australia, một trong những nước xuất khẩu thịt lớn nhất trên thế giới có giá trị lên tới 5 tỷ USD, hạn hán đang khiến sản lượng trồng trọt và chăn nuôi gia súc bị giảm đi đáng kể. Người nông dân vướng vào cảnh nợ nần chồng chất.
Trong khi người dân ở Australia đang phải xoay sở tìm cách trả nợ vì mất mùa thì ở Pakistan, hạn hán kéo dài đang khiến người dân nơi đây phải đối mặt với cái đói. Nhiệt độ ban ngày có lúc lên đến 50 độ C, đã khiến đàn gia súc chết dần từng ngày, trước sự bất lực của người nông dân. Chính phủ Pakistan cho biết, Pakistan có nguy cơ trở thành một quốc gia đói, đói nước và đói lương thực…
Người nông dân thì bất lực trước hạn hán, còn chính phủ nhiều nước đã tốn không ít tiền để khắc phục những hậu quả do hạn hán gây ra. Theo ước tính của các chuyên gia, chỉ riêng hạn hán đang gây thiệt hại hàng tỷ USD mỗi năm cho nền kinh tế toàn cầu, ngoài ra còn rất nhiều thiệt hại khác mà không thể đong đếm được.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online!