Nghịch lý tăng lương tối thiểu nhưng thu nhập giảm: Thực tế hay ngụy biện?

Tạp chí kinh tế-Thứ bảy, ngày 27/08/2016 16:02 GMT+7

VTV.vn - Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, việc tăng lương tối thiểu vùng sẽ làm giảm thu nhập thực tế của người lao động. Thực hư điều này như thế nào?

Mới đây, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã có công văn gửi Ban Bí thư Trung ương Đảng, Thủ tướng Chính phủ, Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban các Vấn đề Xã hội của Quốc hội, Bộ Lao Động Thương binh và Xã hội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương kiến nghị xem xét không tăng lương tối thiểu năm 2017.

Cùng với đó, VASEP đề nghị cho phép giãn thời gian tăng lương tối thiểu vùng lên 2-3 năm một lần và điều chỉnh lại mức đóng các khoản bảo hiểm phù hợp nhất cho người lao động.

Đây không phải là lần đầu tiên có kiến nghị tạm dừng tăng lương tối thiểu 2017. Vì trước đó, Hiệp hội Dệt may, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa và Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cũng có kiến nghị tương tự.

VASEP cho rằng, việc tăng lương tối thiểu là tăng thêm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp trong khi không làm tăng, thậm chí còn làm giảm thu nhập của người lao động. Đây là lần đầu tiên, một Hiệp hội đưa ra các ví dụ cụ thể để chứng minh một nghịch lý đó là tăng lương tối thiểu lại làm giảm thu nhập của người lao động.

Theo lý giải của VASEP, mỗi doanh nghiệp dành một khoản chi phí cố định cho 1 công nhân. Thu nhập thực tế của 1 công nhân gồm lương cơ bản cộng với lương năng suất và trừ đi các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Khi lương tối thiểu tăng lên, do chi phí doanh nghiệp dành cho công nhân không đổi, nên lương năng suất của công nhân giảm xuống. Lương tối thiểu tăng lên, các khoản phí bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội vì thế cũng tăng thêm. Thu nhập thực tế của công nhân lúc này đã giảm đi vì mọi nguồn thu giảm trong khi khoản phải đóng lại phình to.

Các doanh nghiệp thủy sản cũng cho biết, họ đã và đang trả cho người lao động cao hơn lương tối thiểu từ 50-70%. Vì vậy, việc tăng lương trong bối cảnh ngành thủy sản đang đối mặt với nhiều khó khăn sẽ làm giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.

Theo Nghị định 122, thu nhập của người lao động gồm 3 phần: Lương tối thiểu, Các phụ cấp như phụ cấp độc hại, phụ cấp ngoài giờ… và các khoản phụ cấp thỏa thuận. Trong đó, quy định khi tăng lương tối thiểu, doanh nghiệp không được phép cắt giảm các khoản phụ cấp độc hại, ngoài giờ… Nhưng một số khoản phụ cấp khác lại tuỳ thuộc vào thỏa thuận giữa doanh nghiệp và người lao động.

Về nguyên tắc, khi tăng lương tối thiểu, thu nhập thực tế của người lao động phải tăng lên tương ứng. Tuy nhiên, trên thực tế, khi tăng lương tối thiểu, ngay lập tức, một số doanh nghiệp lại giảm các khoản thỏa thuận khiến thu nhập thực tế của người lao động không tăng. Một số ý kiến cho rằng các doanh nghiệp này đang lợi dụng kẽ hở để lách luật.

Nhiều luật sư cũng cho rằng, kẽ hở khó có thể bịt lại bởi đó là các khoản thỏa thuận phụ thuộc vào quy chế của chính doanh nghiệp. Hiện tại, chưa có cơ chế nào bắt buộc doanh nghiệp phải tăng thêm thu nhập cho người lao động, tương ứng với mức tăng lương tối thiểu.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước