Ảnh minh họa. (Nguồn: Getty)
Đây được xem là một phần trong nỗ lực toàn cầu nhằm ngăn chặn sự tái bùng phát dịch bệnh Ebola, đến nay đã cướp đi sinh mạng của gần 9.000 người ở Tây Phi.
Trong giai đoạn đầu của quá trình thử nghiệm, mỗi ngày sẽ có 12 tình nguyện viên được tiêm các loại vaccine Ebola do các nhà khoa học Mỹ và Canada bào chế tại trung tâm thử nghiệm vaccine ở Thủ đô Monrovia, nhằm kiểm tra độ an toàn và hiệu quả của vaccine. Lúc đầu, các tình nguyện viên sẽ được tiêm một lượng nhỏ vaccine để kích thích một phản ứng miễn dịch ban đầu, sau đó sẽ được tiêm tăng liều lượng nhằm nâng cao khả năng miễn dịch của cơ thể theo thời gian.
Khoảng 600 tình nguyện viên sẽ tham gia vào giai đoạn thử nghiệm đầu tiên.
Ông Tolbert Nyenswah, Thứ trưởng Y tế Liberia cho biết: “Chúng tôi hy vọng các cuộc thử nghiệm này sẽ giúp mở ra tương lai tốt đẹp hơn không chỉ cho người dân Liberia và người dân trên khắp thế giới trong việc đối phó với dịch bệnh Ebola”.
Ngoài việc thử nghiệm trên những người khỏe mạnh, nhóm nghiên cứu cũng sẽ tìm các tình nguyện viên từ các nhóm có nguy cơ nhiễm Ebola như các nhân viên y tế, những người sống tại các khu vực nhiễm Ebola, những người chôn cất thi thể bệnh nhân…
Dự kiến cuộc thử nghiệm sẽ kéo dài đến tháng 6 năm sau và thu hút sự tham gia của 27.000 tình nguyện viên từ 18 tuổi trở lên.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), gần 9.000 người đã tử vong trong số 22.000 người nhiễm virus Ebola tại Liberia, Sierra Leone và Guinea kể từ khi bùng phát dịch vào tháng 12/2013. Tuy nhiên, WHO cho biết trong tuần qua, các nước này ghi nhận ít ca nhiễm mới hơn so với con số 100 ca trong tuần trước. Đây cũng là lần đầu tiên kể từ tháng 6/2014, số ca nhiễm mới trong tuần giảm xuống dưới ngưỡng 100 người.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.