Trong 20 năm qua, thiệt hại do thiên tai gây ra lên tới 1,9 tỷ USD, đẩy 4,1 tỷ người vào hoàn cảnh vô gia cư hay cần cứu trợ khẩn cấp. Trước thực tế này, hôm nay (30/11), trong Hội nghị thượng đỉnh Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (gọi tắt là COP21) diễn ra tại Paris (Pháp), lãnh đạo của 196 quốc gia và vùng lãnh thổ sẽ đi tới một thỏa thuận nhằm hạn chế tăng nhiệt độ trái đất không quá 2 độ C. Điều đáng nói là các quốc gia đều phải dùng tiền để hãm lượng phát thải khí nhà kính - nguyên nhân chính dẫn đến tăng nhiệt độ toàn cầu.
Nước nào càng sản xuất nhiều càng phải đổ nhiều tiền vào công nghệ cao, vào khoa học kỹ thuật để giảm lượng khí thải và để xử lý môi trường. Thậm chí, nhiều nước có lượng phát thải lớn như Mỹ, Trung Quốc hay Ấn Độ đã tính đến phương án mua lại quota xả thải của những nước có lượng phát thải ít hơn. Nói cách khác, họ phải chi tiền để mua "quyền xả khói" nhằm duy trì hoạt động cho các cơ sở của mình.
Mục tiêu của Hội nghị Thượng đỉnh Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 21 tại Paris năm nay là nhiệt độ toàn cầu tăng không quá 2 độ C vào năm 2050. Nếu mục tiêu này không đạt được, các nhà khoa học và Liên Hợp Quốc dự báo thế giới sẽ phải hứng chịu rất nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan vào cuối thế kỷ; thiệt hại kinh tế toàn cầu có thể lên tới 44.000 tỷ USD vào năm 2060.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!