Nhân viên y tế tại Mạng lưới Y tế Đại học Viện Michener được tiêm phòng COVID-19, ngày 15/12. Ảnh: Reuters
Nghiên cứu cho thấy, các nước giàu có - chỉ chiếm khoảng 14% dân số toàn cầu - đã đặt mua trước hơn một nửa số liều vaccine dự kiến được 13 nhà sản xuất hàng đầu cung cấp trong năm tới. Ví dụ như Canada đã đặt mua tương đương 4 liều/người, trong khi đó, các nước như Indonesia thì đặt mua không đủ, cứ 2 người mới có một liều tiêm.
Theo nghiên cứu này, ngay cả khi tất cả các nhà sản xuất có thể tạo ra các loại vaccine hiệu quả, an toàn và đáp ứng các mục tiêu sản xuất tối đa thì ít nhất 1/5 dân số thế giới cũng không được tiếp cận với vaccine cho đến năm 2022. Điều này đặt ra lo ngại rằng những nước nghèo hơn sẽ bị bỏ lại đằng sau.
Nhiều nước đã tham gia Cơ chế Tiếp cận vaccine phòng COVID-19 trên phạm vi toàn cầu (COVAX), do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) điều phối cùng với Liên minh Cải thiện khả năng sẵn sàng ứng phó với dịch và Liên minh vaccine GAVI. Cơ chế này nhằm đảm bảo mọi người trên thế giới được tiếp cận với vaccine bất kể giàu nghèo, với hy vọng đến cuối năm 2021 sẽ có 2 tỷ liều vaccine để phân phối. Nhưng hiện Mỹ và Nga (hai nước đã phê chuẩn vaccine tự sản xuất) đều chưa tham gia.
Bên cạnh đó, còn nhiều vấn đề khác đặt ra bên cạnh việc phải có đủ hai liều cho mỗi người tiêm, đó là yêu cầu bảo quản vaccine ở nhiệt độ rất thấp, chi phí để tiêm có thể dao động từ mức 6 USD/lần tiêm đến mức 74 USD/lần tiêm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!