Dấu ấn tư nhân trong ngành hàng không vũ trụ năm 2023
Năm 2023 là năm chứng kiến những quốc gia mới gia nhập sân chơi hàng không vũ trụ và ghi nhận nhiều kết quả mang tính đột phá, cũng như dấu ấn đậm nét của các công ty tư nhân khi bắt đầu có những chuyến bay đưa du khách vào không gian để thăm quan. Có thể nói con người đang không chỉ tìm kiếm sự sống ngoài không gian, mà còn tìm kiếm các cơ hội tạo ra những ngành kinh doanh siêu lợi nhuận.
Kể từ khi con tàu Apollo 11 được phóng lên không gian vào năm 1969, tham vọng chinh phục không gian và các hành tinh khác của con người chưa bao giờ dừng lại. Năm 2023 chứng kiến những bước đột phá trong ngành hàng không vũ trụ với sự tham gia của các công ty tư nhân mà đứng sau là các tỷ phú với khối tài sản khổng lồ.
Ví dụ Space X của tỷ phú Elon Musk - tập trung vào sứ mệnh khám phá sự sống trên sao Hoả và cuối cùng là sẽ đưa con người lên sao Hoả để sinh sống.
Ông Elon Musk - Người sáng lập công ty SpaceX cho biết: "Sớm hay muộn cũng sẽ có một sự kiện mang tính huỷ diệt nào đó trên Trái đất và chúng ta sẽ có phương án là lên các hành tinh khác để sinh sống, tạo ra một nền văn minh ngoài Trái đất".
Tham vọng này được các nhà đầu tư hưởng ứng. Mới đây theo trang CNBC, công ty SpaceX đã đạt giá trị thị trường 180 tỷ USD dựa trên đợt bán cổ phiếu thứ cấp đang diễn ra. Mức định giá này cao hơn cả các công ty viễn thông hàng đầu của Mỹ. Điều này cho thấy, các nhà đầu tư đặt niềm tin vào những dự án không gian đã và đang diễn ra của công ty này.
Kể cả khi không đặt mục tiêu định cư lâu dài ở các hành tinh khác, việc được du hành trong không gian cũng có nhiều tiềm năng. Các công ty tư nhân không bỏ lỡ cơ hội này và đó là nền tảng cho ngành du lịch trong không gian như Axiom Space - một công ty có trụ sở ở Texas, Mỹ.
"Mô hình kinh doanh của chúng tôi là xây một trạm vũ trụ thương mại trên không gian. Chỗ này sẽ có các khung cửa sổ nhìn ra không gian và quan sát Trái đất từ trên không gian. Đấy sẽ là điểm check-in phổ biến đối với du khách để họ đăng ảnh lên Instagram chẳng hạn", ông Matt Ondler - CEO của Axiom Space cho biết.
Dự án này được NASA tài trợ tới 140 triệu USD. Dự án nói ngắn gọn chính là xây dựng một khách sạn hạng sang trên vũ trụ.
Vào tháng 8 vừa rồi, hãng Virgin Galactic của tỷ phú người Anh Richard Branson đã ra mắt chuyến bay thương mại đầu tiên cho du khách. Để có 1 ghế trên chuyến bay này hành khách phải chi trả khoảng 450.000 USD mỗi người (gần 11 tỷ đồng).
Ông Phil Mcalister - Giám đốc chương trình Không gian thương mại của NASA cho biết: "Tiềm năng thương mại của không gian là rất lớn. Những gì các công ty tư nhân làm được trong năm qua mới chỉ là bước đầu để họ tiến tới những dự án táo bạo hơn".
Theo như số liệu công ty Virgin Galactic công bố, giá vé bay vào vũ trụ cao ngất ngưởng nhưng những chuyến bay này vẫn không hề ế khách. Cụ thể, đầu năm 2023, thống kê cho thấy có khoảng 800 vé đã được đặt trước, kỳ vọng có thể mang lại doanh thu 207 triệu USD cho công ty này trong tương lai.
Cuộc đua thám hiểm không gian giữa các quốc gia
Nhưng dấu ấn lớn nhất của năm qua lại không đến từ những công ty tư nhân, mà đến từ Ấn Độ. Quốc gia Nam Á này đã làm nên lịch sử khi trở thành nước đầu tiên có tàu thám hiểm hạ cánh thành công xuống cực Nam của Mặt trăng. Ở cấp độ quốc gia, cuộc đua khám phá không gian càng trở nên nóng hơn bao giờ hết.
Riêng trong năm 2023, Ấn Độ đã đổ tới hơn 105 tỷ Rupee (hơn 1,26 tỷ USD) vào ngành hàng không vũ trụ. Hiện tại, ngành công nghiệp vũ trụ của Ấn Độ được định giá 8 tỷ USD và chiếm 2% ngành công nghiệp vũ trụ toàn cầu.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng là một quốc gia ghi dấu ấn mạnh mẽ trong ngành hàng không vũ trụ năm nay. Hồi giữa năm, Trung Quốc đã lần đầu tiên đưa phi hành gia dân sự lên không gian, khi tàu vũ trụ Thần Châu 16 phóng thành công và hướng tới Trạm vũ trụ Thiên Cung.
Dự đoán xu thế phát triển ngành vũ trụ tương lai
Nhận định về tiềm năng của các quốc gia cũng như vai trò của các công ty tư nhân trong lĩnh vực hàng không vũ trụ trong năm 2024, ông Nguyễn Xuân Mừng, PGS. TS Bộ môn Kỹ thuật Hàng không vũ trụ, trường Đại học Sejong, Hàn Quốc cho biết: "Tiềm năng phát triển ngành công nghiệp vũ trụ của các nước này trong thời gian tới là rất lớn. Các nước này đang đầu tư rất đáng kể cho lĩnh vực này. Năm 2014, nguồn vốn đầu tư của Trung Quốc cho khoa học và công nghệ vũ trụ vào khoảng 430 triệu USD, đến năm 2022, con số đó là 12 tỷ USD, tăng 25 lần trong 8 năm. Đặc biệt, Trung Quốc có trữ lượng lớn về đất hiếm và các kim loại quan trọng khác, phục vụ cho việc chế tạo tàu vũ trụ và các thiết bị trong không gian".
Nối tiếp với Trung Quốc, Ấn Độ cũng đã thành công trong sứ mệnh Chandrayaan-3 về việc đáp xuống Mặt trăng thành công năm 2023. Những thành tựu đó đã trở thành các nền tảng quan trọng tạo đà cho các nước này thực hiện các sứ mệnh mới đột phá, hanh chóng và mạnh mẽ hơn".
Hiện ước tính hiện nay có khoảng 10.000 công ty và 5.000 nhà đầu tư trong ngành công nghiệp vũ trụ. Ngân hàng Bank of America đã dự báo, quy mô ngành công nghiệp vũ trụ ước đạt 1.400 tỷ USD vào năm 2030.
"Sự gia tăng nhu cầu về truyền thông, Internet vệ tinh và du lịch không gian khiến các công ty tư nhân có thêm cơ sở phát triển mảng ứng dụng nhân sự", ông Nguyễn Xuân Mừng cho biết.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!