25 quốc gia thành công trong việc giảm một nửa chỉ số nghèo đói

Thế giới hôm nay-Thứ sáu, ngày 14/07/2023 06:00 GMT+7

VTV.vn - Một số nước nổi bật trong nhóm này gồm Campuchia, Trung Quốc, Congo, Honduras, Ấn Độ, Indonesia, Maroc, Serbia và Việt Nam.

Chương trình Phát triển Liên hợp quốc và Sáng kiến nghèo đói và phát triển con người tại Đại học Oxford hôm qua đã công bố bản cập nhật mới nhất về "Chỉ số nghèo đa chiều toàn cầu 2023" trên 110 quốc gia. Báo cáo chứng minh rằng giảm nghèo là mục tiêu có thể đạt được. Tuy nhiên, việc thiếu dữ liệu toàn diện về đại dịch COVID-19 đã đặt ra những thách thức cho việc đánh giá các triển vọng trước mắt.

Báo cáo "chỉ số nghèo đa chiều toàn cầu 2023" của Liên hợp quốc phân tích các xu hướng từ năm 2000 đến năm 2022, tập trung vào 81 quốc gia có dữ liệu so sánh theo thời gian, cho thấy 25 quốc gia, bao gồm một số nền kinh tế lớn nhất thế giới, đã thành công trong việc giảm một nửa chỉ số nghèo đói trong vòng 15 năm. Đây là một tiến bộ nhanh chóng. Một số nước nổi bật trong nhóm này gồm Campuchia, Trung Quốc, Congo, Honduras, Ấn Độ, Indonesia, Maroc, Serbia và Việt Nam.

Đáng chú ý, Ấn Độ đã chứng kiến sự giảm nghèo đáng kể, với 415 triệu người thoát nghèo chỉ trong vòng 15 năm. Trong khi đó, một số lượng lớn người dân cũng đã thoát nghèo ở Trung Quốc (giảm 69 triệu người) và Indonesia (giảm 8 triệu người).

25 quốc gia thành công trong việc giảm một nửa chỉ số nghèo đói - Ảnh 1.

Nghèo đói được tính bằng cách sử dụng 10 chỉ số dưới các tiêu chí chung về sức khỏe, giáo dục và mức sống. Mỗi chỉ số lại có các tiểu mục khác nhau. Tuy nhiên trên thực tế, các tác động đầy đủ của đại dịch COVID-19 trên toàn cầu vẫn chưa được đo lường. Bên cạnh đó, tại hơn 50% số quốc gia được khảo sát, tỷ lệ nghèo ở trẻ em không có sự sụt giảm đáng kể về mặt thống kê. Điều này cho thấy tình trạng nghèo ở trẻ em sẽ tiếp tục là một vấn đề cấp bách, đặc biệt liên quan đến tình trạng đi học và suy dinh dưỡng.

Xóa đói, giảm nghèo là một trong các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc và được các nước quan tâm triển khai. Thế nhưng do tác động của chiến tranh, dịch bệnh, thiên tai cùng nhiều yếu tố khác, vẫn còn rất nhiều người trên thế giới ở trong cảnh đói nghèo, đòi hỏi các nước nỗ lực tìm các giải pháp bền vững trong xóa đói, giảm nghèo.

Ông Li Junhua - Phó Tổng thư ký phụ trách các vấn đề kinh tế và xã hội: "Chỉ khoảng 1/3 số quốc gia sẽ đạt được mục tiêu giảm một nửa tỷ lệ nghèo quốc gia vào năm 2030. Hơn 600 triệu người sẽ phải đối mặt với nạn đói, 300 triệu trẻ em hoặc thanh thiếu niên đang đi học sẽ không thể đọc hoặc viết. Và sẽ mất gần 286 năm để thu hẹp khoảng cách giới trong việc bảo vệ pháp lý và loại bỏ các luật phân biệt đối xử".

25 quốc gia thành công trong việc giảm một nửa chỉ số nghèo đói - Ảnh 2.

Ông Achim Steiner - Quản trị viên Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP): "Qua lăng kính chỉ số chuẩn nghèo đa chiều, chúng ta có thể thấy 1,1 tỷ người trên toàn thế giới đang sống trong tình trạng nghèo đa chiều như thế nào. Chúng ta cũng có thể hiểu rõ hơn tình trạng nghèo đói nằm ở đâu, kể cả trong các quốc gia".

Ông Heriberto Tapia - Cố vấn Nghiên cứu và Đối tác Chiến lược, Văn phòng báo cáo phát triển con người, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP):

"Theo kết quả chúng tôi có được đối với 110 quốc gia trên thế giới trong năm nay, có 1,1 tỷ người nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều trên toàn thế giới. Con số này đại diện cho 18% dân số của 110 quốc gia này. Về thành phần, chúng tôi thấy rằng khoảng một nửa số người nghèo là trẻ em dưới 18 tuổi".

Ông Pedro Conceição - Giám đốc Văn phòng báo cáo phát triển con người, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP): "Nếu bạn nghĩ việc đưa tiền mặt cho một gia đình và giúp gia đình đó thoát nghèo thì không có nghĩa là gia đình đó được sử dụng điện nước, con cái gia đình đó được đi học đầy đủ. Với chuẩn nghèo đa chiều phản ánh những khía cạnh toàn diện hơn, không chỉ là thước đo bằng tiền, thu nhập. Vì vậy, chúng tôi kêu gọi sự quan tâm đến những vấn đề quan trọng hơn chẳng hạn như đầu tư vào cơ sở hạ tầng hoặc hàng hóa công cộng".

25 quốc gia thành công trong việc giảm một nửa chỉ số nghèo đói - Ảnh 3.

Hiện đại hóa nông thôn - cách làm từ Trung Quốc

Như những gì mà các chuyên gia và quan chức Liên hợp quốc vừa nêu thì câu chuyện căn cơ cho xóa đói, giảm nghèo là đi tìm những giải pháp nền tảng, bền vững, chú trọng vào cơ sở hạ tầng; tức là theo tiêu chí "đưa cho người dân cái cần câu, thay vì chỉ đưa cho họ con cá".

Và rõ ràng, những nước đi đầu trong xóa đói giảm nghèo, như Trung Quốc là ví dụ điển hình, đã cơ bản thành công trong các chiến lược hiện đại hóa nông thôn, hồi sinh nông thôn xanh. Với những thành công đó, Trung Quốc thậm chí còn đang hướng tới chấn hưng nông thôn, xây dựng đời sống khá giả.

Với 266 ha, không chỉ bảo tồn, nhân giống các loại cá quý hiếm sông Trường Giang, Tập đoàn Trung Dương còn nuôi thương phẩm nhiều loại thủy hải sản quý. Trung Dương đã xây dựng trang trại nuôi cá nóc quy mô lớn hàng đầu thế giới. Mất hàng chục năm nghiên cứu, tập đoàn đã nuôi thành công cá nóc giàu dinh dưỡng, giá trị kinh tế rất cao. Hiện nay thương hiệu cá nóc Trung Dương được định giá hơn 8 tỷ Nhân dân tệ, tức gần 1,2 tỷ USD. Tập đoàn đã tạo nhiều công ăn việc làm cho người dân nông thôn.

25 quốc gia thành công trong việc giảm một nửa chỉ số nghèo đói - Ảnh 4.

Ông Chu Vĩnh Tường - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Trung Dương, Trung Quốc: "Tập đoàn đã mất 20 năm để lai tạo cho con cá nóc từ có độc thành không có độc. Nhà nước phê chuẩn cho nuôi thương phẩm để bán ra thị trường, tiềm năng xuất sang Nhật Bản và Hàn Quốc là rất lớn".

Trong mục tiêu hồi sinh nông thôn, ngoài kêu gọi các doanh nghiệp tập trung khai thác thế mạnh nông thôn, tạo công ăn việc làm cho người dân, chính quyền nhiều địa phương ở Giang Tô cơ bản hoàn thành quy hoạch đất đai nông thôn. Từ đó thuận lợi trong đầu tư xây dựng hạ tầng đường xá, nhà cửa, các công trình vệ sinh môi trường. Để nâng cao đời sống người dân nông thôn, tiêu chí cải tạo nhà cửa khang trang, cải tạo môi trường sinh thái sạch đẹp như xử lý nước thải, rác thải, dùng năng lượng mặt trời được chú trọng, người dân tại chỗ được vay vốn lãi suất thấp để cải tạo nhà cửa.

Ông Chữ Hùng - Người dân tỉnh Giang Tô, Trung Quốc: "Giờ cuộc sống tốt hơn nhiều lắm, người dân ai cũng phấn khởi, thu nhập ngày càng khá hơn, nhiều hơn lúc trước 3-4 lần".

Các địa phương đã đầu tư mạnh hiện đại hóa hạ tầng, đưa nông thôn gần thành thị nhưng vẫn giữ giá trị truyền thống của làng quê. Hầu hết các địa phương đều xây dựng kế hoạch 5 năm để hồi sinh nông thôn bằng chiến lược hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, với tiêu chí cụ thể về cơ giới hóa, nông sản sạch, sống xanh. Ngoài nguồn vốn lớn từ ngân sách, gần đây các tập đoàn công nghệ tư nhân đã tập trung đầu tư khai thác vùng nông thôn, với mục tiêu áp dụng mạnh công nghệ vào sản xuất hàng hóa chất lượng cao, thu hút nhân tài quay về nông thôn bằng chính sách tài trợ tiền và ưu đãi mua nhà.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước