3 giả thuyết về nguyên nhân, triệu chứng và tác động của hội chứng "COVID kéo dài"

Chuyển động 24h-Thứ tư, ngày 22/09/2021 11:41 GMT+7

VTV.vn - Thế giới hiện có gần 300 triệu ca mắc COVID-19, trong đó 89,8% đã khỏi bệnh, nhưng người được chữa khỏi lại phải đối mặt với các triệu chứng của hội chứng "COVID kéo dài".

Thậm chí, đối với những người đã tiêm vaccine COVID-19, nguy cơ mắc các triệu chứng "COVID kéo dài" vẫn tồn tại.

Ảnh hưởng của hội chứng "COVID kéo dài" tới chất lượng cuộc sống

Những triệu chứng của "COVID kéo dài" gồm sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi hoặc suy yếu, nôn mửa, đau bụng, tiêu chảy, đau họng, ho, thở gấp, mất vị giác và khứu giác. Các triệu chứng này đang là nỗi ám ảnh của hàng triệu người dân trên toàn thế giới sau khi thoát được "tử thần" COVID-19.

Theo thống kê, trên thế giới, khoảng 1/4 số người nhiễm virus SARS-CoV-2 tiếp tục có các triệu chứng kéo dài trong ít nhất 1 tháng, 1/10 trong số này vẫn không thấy khỏe lại sau 12 tuần. Đặc biệt, có một số bệnh nhân rơi vào tình trạng cơ thể bị suy nhược.

Văn phòng Thống kê quốc gia Anh đã tiến hành cuộc nghiên cứu khảo sát đối với 27.000 người mắc COVID-19 tại nước này bằng 3 phương pháp khác nhau để ước tính mức độ phổ biến các triệu chứng "COVID kéo dài". Kết quả cho thấy, 3% - 11,7% số ca dương tính có thể có triệu chứng của "COVID kéo dài". Nếu tính theo tỷ lệ này, chỉ trong 1 tuần từ ngày 14 - 20/8, có từ 16.000 - 60.000 ca "COVID kéo dài". Ngoài ra, nhóm tuổi từ 50 đến 69 tuổi chiếm nhiều ca mắc COVID-19 nhất. Ngoài ra, cứ 7 trẻ em mắc COVID-19 tại Anh thì 1 có biểu hiện hội chứng "COVID kéo dài".

Đầu tháng 9, Bộ Y tế Israel công bố khảo sát cho thấy, 11,2% số trẻ em mắc COVID-19 phải chịu các triệu chứng "COVID kéo dài" dù đã bình phục. Con số này tương đương cứ 10 em nhỏ lại có 1 em mắc triệu chứng "COVID kéo dài". Các nhà khoa học nước này còn lưu ý rằng, nguy cơ mắc "COVID kéo dài" gia tăng theo độ tuổi của trẻ. Thống kê tại Israel cho thấy, 5,6% trong số trẻ vị thành niên từ 12 - 18 tuổi mắc COVID-19 có triệu chứng bị "COVID kéo dài" sau đó, trong khi tỷ lệ ở những trẻ vị thành niên không triệu chứng là 3,5%.

Còn tại Mỹ, theo tờ The Washington Post, Viện Y tế quốc gia cũng đưa ra con số 10% - 30% người mắc COVID-19 tại nước này có thể phải vật lộn với các triệu chứng lâu hơn so với bình thường.

Số liệu thống kê trên thế giới về hội chứng "COVID kéo dài" cho thấy, hội chứng này có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai, nhưng phụ nữ trẻ tuổi có nguy cơ hơn so với nam giới ở cùng độ tuổi.

Có thể nói, COVID kéo dài" đang là vấn đề lớn đối với chất lượng cuộc sống người dân toàn thế giới.

Nghiên cứu mới về hội chứng "COVID kéo dài" ở trẻ em

Tuy vậy, không giống người lớn, kết quả đánh giá các nghiên cứu quốc tế cho thấy, những triệu chứng mắc "COVID-19 kéo dài" ở trẻ em và thanh thiếu niên thường chấm dứt sau 12 tuần. Kết quả đánh giá của Viện nghiên cứu trẻ em Murdoch (Australia) được đăng tải trên Tạp chí Bệnh truyền nhiễm Nhi khoa chỉ ra rằng, các triệu chứng "COVID kéo dài" ở trẻ nhỏ và thanh thiếu niên ít xảy ra hơn so với lo ngại trước đó.

Đánh giá được thực hiện với 14 nghiên cứu quốc tế bao gồm các dữ liệu từ hơn 19.000 trẻ nhỏ và thanh thiếu niên có các triệu chứng "COVID kéo dài" sau khi mắc bệnh cho thấy, phần lớn các trường hợp có triệu chứng không kéo dài quá 12 tuần. Tuy nhiên, giới chuyên gia vẫn khuyến cáo các bậc phụ huynh tiếp tục lưu ý tác động của "COVID kéo dài" ở con em mình. Trong các nghiên cứu được đánh giá, 5 triệu chứng thường gặp nhất ở trẻ nhỏ và thanh thiếu niên mắc hội chứng "COVID kéo dài" là đau đầu, mệt mỏi, rối loạn giấc ngủ, đau bụng và mất tập trung.

3 giả thuyết về nguyên nhân, triệu chứng và tác động của hội chứng COVID kéo dài - Ảnh 1.

Có 3 giải thuyết về nguyên nhân gây ra hội chứng "COVID kéo dài". (Ảnh: AP)

Nguyên nhân của hội chứng "COVID kéo dài"

Với mỗi nhóm tuổi, giới tính, tình trạng "COVID kéo dài" lại khác nhau. Chính vì thế, phương cách phòng chống vẫn còn là một bài toán khiến nhiều chuyên gia y tế đau đầu. Tuy nhiên, các bác sĩ đã bước đầu xác định nguyên nhân dẫn đến hiện tượng hiếm gặp này, qua đó có thể tìm ra hướng giải quyết, điều trị các triệu chứng này trong tương lai.

Cho đến nay, nguyên nhân của các vấn đề sức khỏe do "COVID kéo dài" vẫn chưa được xác định rõ ràng, nhưng các nhà khoa học đang có 3 giải thuyết:

1. Giả thuyết tự miễn dịch: Khi một người mắc bệnh, cơ thể của họ phát triển các kháng thể để vô hiệu hóa virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, hệ thống miễn dịch của một số người lại nhận diện nhầm những kháng thể đó là một mối đe dọa ngoại lai, vì vậy chúng tự sản xuất ra các kháng thể khác để chống lại các kháng thể kia.

2. Giả thuyết tuần hoàn máu: Các mạch máu trong cơ thể bị viêm và chúng không thể giãn nở đúng cách. Tuần hoàn máu bị rối loạn, kết quả là các cơ quan trong cơ thể không thể hoạt động tối ưu. Do đó, chúng không thể cung cấp năng lượng để cơ thể hoạt động, dẫn đến đau cơ, đau đầu khi gắng sức, gây mất tập trung.

3. Giả thuyết hệ thần kinh: Trong trường hợp này, các nhà nghiên cứu tin rằng, những dây thần kinh không thể hoạt động bình thường do gặp áp lực. Hệ thống thần kinh cũng kiểm soát các chức năng của cơ thể và điều đó dẫn đến rối loạn chức năng này.

Các chuyên gia tin rằng, cả 3 cơ chế này kết hợp lại khiến gây ra các hiện tượng đau mỏi, mệt ở người từng mắc COVID-19, nhưng vẫn thật khó để họ có thể tìm ra cách để giúp những người mắc "COVID kéo dài" thoát khỏi tình trạng này trong ngắn hạn.

Các nhà khoa học thuộc Đại học Arkansas của Mỹ cho biết, khi một người mắc bệnh, cơ thể của họ phát triển các kháng thể để vô hiệu hóa virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, hệ thống miễn dịch của một số người lại nhận diện nhầm những kháng thể đó là một mối đe dọa ngoại lai, vì vậy chúng tự sản xuất ra các kháng thể khác để chống lại các kháng thể kia và tình trạng này có thể kéo dài trong suốt nhiều tháng. Đây được gọi là hiện tượng tự miễn, lý do khiến tình trạng "COVID kéo dài" lại diễn ra lâu như vậy.

Tiêm vaccine giúp giảm nguy cơ hội chứng "COVID kéo dài"

Theo nghiên cứu được đăng trên tạp chí The Lancet, nếu bị mắc COVID-19, những người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine có thể giảm 50% nguy cơ bị hội chứng COVID kéo dài. Còn theo kênh truyền hình BBC, khoảng 57% bệnh nhân gặp hội chứng "COVID kéo dài" được nghiên cứu tại Anh cho biết, các triệu chứng của họ giảm đi sau khi tiêm vaccine COVID-19. Với những số liệu tích cực như vậy, có thể thấy rằng, vaccine không chỉ là cách hiệu quả để chúng ta bảo vệ bản thân trước COVID-19 mà còn cả những hệ quả sức khỏe sau khi đã mắc bệnh.

Hơn 200 triệu chứng kéo dài trong và sau khi mắc COVID-19 Hơn 200 triệu chứng kéo dài trong và sau khi mắc COVID-19

VTV.vn - Một nghiên cứu mới đã xác định 203 triệu chứng liên quan đến bệnh COVID-19 diễn ra trên 10 hệ thống cơ quan khác nhau trong cơ thể người.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước