Nghiên cứu được thực hiện với hơn 3.000 em trong độ tuổi 11-17 tại Anh có kết quả xét nghiệm PCR dương tính hồi đầu năm nay, trong đó 14% trẻ em có từ ba triệu chứng của hiện tượng "COVID kéo dài", như mỏi mệt bất thường hay đau đầu, kéo dài tới 15 tuần. Mặc dù vậy, kết quả nghiên cứu cho thấy sự phổ biến của hội chứng "COVID kéo dài" ở trẻ vị thành niên là thấp hơn những gì giới chuyên gia y tế lo ngại hồi cuối năm ngoái.
Những triệu chứng phổ biến của hiện tượng "COVID kéo dài" là khó thở, mệt mỏi và đau đầu kéo dài nhiều tuần ở các bệnh nhân đã hồi phục khỏi COVID-19. Theo các nhà nghiên cứu tại Đức, điều này có thể do đặc tính tế bào máu đã bị thay đổi, làm giảm khả năng lưu thông máu và cung cấp oxy trong cơ thể.
Ông Martin Kraeter - Nhà nghiên cứu Trung tâm Vật lý và Y học Max-Planck, Đức cho biết: "Bình thường tế bào hồng cầu có khả năng kéo giãn rất lâu và rất mềm về mặt cơ học để dễ dàng lưu thông qua các mao mạch. Ở các bệnh nhân COVID-19, đặc biệt là bệnh nhân nặng, chúng tôi đã phát hiện ra rằng một tỷ lệ lớn các tế bào hồng cầu không còn các đặc tính cơ học này nữa".
Nhóm nghiên cứu xét nghiệm hơn 4 triệu tế bào máu từ các bệnh nhân COVID-19 nặng và so sánh với những người khỏe mạnh, họ phát hiện ra các tế bào hồng cầu của người mắc bệnh khác hẳn của những người khỏe mạnh. Những tổn thương của tế bào hồng cầu có thể là nguyên nhân gây ra các triệu chứng như tắc mạch máu và thuyên tắc mạch phổi, gây ra tình trạng tắc nghẽn mạch máu đột ngột ở phổi, ngăn chặn dòng lưu thông bình thường của máu trong vùng đó, gây trở ngại cho việc trao đổi khí.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!