Đây là kết quả nghiên cứu mới do Đại học Queensland (Australia) và Đại học Y Harvard (Mỹ) tiến hành và công bố trên tạp chí Lancet Psychiatry ngày 30/7.
Nghiên cứu đã phân tích dữ liệu của 156.331 người trưởng thành sinh sống tại 29 quốc gia và khu vực trong giai đoạn từ năm 2001 - 2022. Kết quả cho thấy, có tới 46,4% số nam giới và 53,1% số nữ giới trước 75 tuổi có nguy cơ mắc các chứng rối loạn tâm thần.
Giáo sư Viện não Đại học Queensland John McGrath, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết, tuổi khởi phát bệnh sớm nhất là 15 tuổi, trong khi tuổi khởi phát trung bình lần lượt là 19 và 20 tuổi đối với nam giới và nữ giới.
"Phổ biến nhất là các rối loạn tâm trạng như trầm cảm hoặc lo lắng. Chúng tôi cũng nhận thấy nguy cơ mắc một số rối loạn tâm thần khác nhau theo giới tính" - ông nhấn mạnh.
Theo đó, ở nam giới, các vấn đề sức khỏe tâm thần phổ biến nhất là lạm dụng đồ có cồn, trầm cảm và một chứng ám ảnh về một vụ việc nào đó.
Ở phụ nữ, chứng ám ảnh sợ hãi về một vài vật thể hoặc một vài hành động cụ thể và trầm cảm cũng như chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương là phổ biến.
Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng, các rối loạn sức khỏe tâm thần thường xuất hiện lần đầu ở thời thơ ấu, thanh thiếu niên hoặc thanh niên nhưng càng lớn tuổi tình trạng này càng trầm trọng và được biểu lộ rõ hơn.
Giáo sư McGrath nhấn mạnh, kết quả trên thể hiện tỷ lệ rối loạn sức khỏe tâm thần ở mức cao, đòi hỏi chú trọng đầu tư vào lĩnh vực khoa học thần kinh cơ bản để hiểu hơn về quá trình rối loạn phát triển.
Giáo sư Đại học Y Harvard Ronald Kessler, đồng tác giả nghiên cứu, cho rằng, khi hiểu hơn về giai đoạn các rối loạn khởi phát, các chuyên gia có thể điều chỉnh hệ thống y tế công cộng, phân bổ nguồn lực đảm bảo hỗ trợ kịp thời và phù hợp những người thuộc nhóm nguy cơ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!