Báo cáo "Tình hình trẻ em thế giới năm 2021" của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) ước tính, cứ 7 trẻ vị thành niên từ 10-19 tuổi trên toàn cầu thì có hơn 1 em bị chẩn đoán mắc rối loạn tâm thần. Nếu những rối loạn đó không được can thiệp, chữa trị thì sẽ ảnh hưởng đáng kể đến sự phát triển, học tập và chất lượng cuộc sống của cá nhân các em nói riêng và cả xã hội nói chung.
Sara Lundberg là học sinh lớp 8 trường cấp 2 Orefield, cô bé đã bị chẩn đoán mắc chứng lo âu và trầm cảm trong thời gian diễn ra đại dịch. Cô nói: "Tâm trạng của em lên xuống thất thường trong thời gian phải học trực tuyến, giờ đây em thấy ổn hơn vì đã được đến trường gặp bạn bè và em cũng đã dùng thuốc điều trị lo âu và trầm cảm".
COVID-19 đã bước sang năm thứ ba và đại dịch này đang tiếp tục tác động nặng nề lên sức khỏe tâm thần cũng như điều kiện sống của trẻ em và thanh thiếu niên khắp thế giới. Thống kê cho thấy hơn 1,6 tỉ trẻ em phải hứng chịu những thiệt hại nhất định về giáo dục. Gián đoạn trong sinh hoạt, giáo dục, giải trí cũng như trăn trở về thu nhập gia đình và sức khỏe đang khiến nhiều thanh, thiếu niên rơi vào cảnh lo sợ, tức giận và băn khoăn về tương lai.
Theo TS. Leslie Hulvershorn - Nhà nghiên cứu tâm lý trẻ em: "Sự phát triển của mạng xã hội và việc người trẻ sử dụng mạng xã hội vốn đã làm gia tăng số ca mắc bệnh lo âu, trầm cảm, rối loạn cảm xúc hoặc rối loạn hành vi hay thậm chí là tự tử. Từ sau đại dịch COVID-19, lại có ngày càng nhiều thanh thiếu niên bị chẩn đoán mắc các rối loạn tâm thần và nhu cầu can thiệp tâm lý đang gia tăng".
Theo phân tích của Trường Kinh tế London, rối loạn tâm thần dẫn đến khuyết tật hoặc tử vong ở thanh, thiếu niên gây thiệt hại ước tính gần 390 tỉ USD mỗi năm cho các nền kinh tế.
Xóa bỏ kỳ thị đối với các bệnh về tâm thần
Theo UNICEF, những can thiệp trong các lĩnh vực như y tế, giáo dục và bảo trợ xã hội đã được chứng minh là có hiệu quả trong việc hỗ trợ người trẻ cải thiện sức khỏe tâm thần. Các chuyên gia cho rằng điều quan trọng nhất là cần phá vỡ sự im lặng xung quanh vấn đề này, bằng cách xóa bỏ kỳ thị đối với các bệnh về tâm thần, tăng cường hiểu biết của cộng đồng, xem xét nghiêm túc trải nghiệm của thanh thiếu niên và sẵn sàng đồng hành với họ vượt qua chướng ngại tâm lý.
Uva, Pepe và Chumi là ba trong số 10 chú chó của dự án giúp giảm thiểu căng thẳng, lo âu cho sinh viên khi trở lại với việc học trực tiếp sau hai năm rời xa giảng đường do COVID-19.
Anh Tomas - Sinh viên kiến trúc cho biết: "Mỗi lần nhìn thấy một chú chó là tôi lại mỉm cười, tôi sẽ không còn nghĩ tới điều gì khác mà chỉ tập trung vào sự dễ thương của chúng. Tôi nghĩ đây là một dự án hay".
Theo số liệu của Bộ Giáo dục Chile, chỉ trong tháng đầu tiên trở lại trường học trực tiếp, số vụ xâm hại thể chất và tinh thần của học sinh, sinh viên đã tăng 22% so với mức trước đại dịch.
Bà Ignacia Pfingsthorn - Nhà tâm lý học lâm sàng, Đại học Công giáo Chile chia sẻ: "Dự án này chính là giải pháp chúng tôi đang tìm kiếm. Việc vuốt ve động vật trong một khoảng thời gian nhất định giúp giảm đáng kể mức độ lo lắng ở những người đang trong tình huống căng thẳng. Ngoài ra, việc này còn có nhiều lợi ích về tâm lý, như giúp gia tăng sự tự tin hay cảm giác thuộc về một nhóm nào đó".
Còn tại thủ đô Canberra của Australia, trường dạy khiêu vũ của chị Julie Scheer đã giúp nhiều thiếu nữ tìm thấy sự tự tin và niềm lạc quan trong 17 năm qua. Theo chị, trẻ em gái ở tuổi dậy thì gặp nhiều vấn đề tâm lý và rất cần sự chia sẻ. "Với tôi, điều đó đã rõ ràng từ trước dịch COVID, nhưng sau đại dịch, việc chia sẻ càng trở nên quan trọng hơn. Mọi người đều cần có ai đó để trò chuyện".
Nhằm hỗ trợ các em gái vượt qua những vấn đề tâm lý, một tổ chức tại thủ đô Canberra đang áp dụng mô hình người cố vấn đồng hành với các em. Những phụ nữ trưởng thành như chị Julie Scheer sẽ đăng ký làm người hướng dẫn cho các bé gái tuổi dậy thì, sẵn sàng chia sẻ và dìu dắt các em qua giai đoạn đầy biến động.
Bà Glenda Stevens - Giám đốc điều hành Tổ chức Fearless Women nhận xét: "Dường như nhiều cô gái trẻ rất thiếu tự tin, họ muốn biết rằng cảm xúc của mình được công nhận và tôn trọng và họ cũng mong muốn điều đó trong suốt quãng đời còn lại".
Vẫn tồn tại khoảng cách lớn giữa nhu cầu chăm sóc sức khỏe tâm thần và kinh phí hỗ trợ sức khỏe tâm thần. Báo cáo của UNICEF cho thấy, chỉ khoảng 2% ngân sách cho y tế của các chính phủ trên toàn cầu được phân bổ vào chi tiêu cho sức khỏe tâm thần.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn hiện hữu, các chuyên gia khuyến nghị cộng đồng nâng cao nhận thức và quan tâm đến sức khỏe tinh thần ở trẻ em và thanh thiếu niên, thế hệ tương lai của xã hội.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!