Về cơ bản, nước mắt giúp bảo vệ đôi mắt và giữ cho chúng được bôi trơn. Nước mắt chảy ra theo phản xạ để rửa sạch khói, bụi và bất cứ thứ gì khác có thể gây kích ứng mắt.
Bên cạnh đó, nước mắt thể hiện sự xúc động, thường được kích hoạt bởi sự giận dữ, niềm vui hoặc nỗi buồn. Nhiều người sợ hãi những giọt nước mắt này và ước họ có thể hoàn toàn không rơi nước mắt. Nhiều người khi gặp phải khó khăn, họ cảm thấy cần phải khóc để giải tỏa.
Tuy nhiên, cho dù bạn cảm thấy thế nào khi khóc, sự thật là khóc là điều hoàn toàn bình thường.
1. Để được giúp đỡ
Trên thực tế, "tiếng kêu cứu" không chỉ là một câu nói. Cho dù nước mắt của bạn xuất phát từ sự giận dữ hay đau buồn, chúng cho người khác biết bạn đang gặp khó khăn.
Nếu bạn cảm thấy không thể yêu cầu giúp đỡ trực tiếp, nước mắt của bạn có thể truyền tải yêu cầu này mà không cần lời nói. Lưu ý rằng điều này không có nghĩa là bạn cố tình khóc, đó là phản ứng của cơ thể mà hầu như con người không dễ để kiểm soát.
Liên quan đến điều này, trong một nghiên cứu vào năm 2013, những người tham gia thử nghiệm nhìn vào những bức ảnh có khuôn mặt buồn bã và trung tính, có và không có nước mắt. Trong cả hai trường hợp, họ chỉ ra rằng, những người có nước mắt trên mặt dường như có nhu cầu được hỗ trợ nhiều hơn những người không có nước mắt.
Trong khi đó, nghiên cứu vào năm 2016 cho thấy, con người thường có vẻ dễ chịu và ôn hòa hơn khi họ khóc. Điều này có thể giúp giải thích vì sao bạn sẵn sàng hỗ trợ ai đó đang rơi nước mắt, ngay cả khi biểu hiện cơ bản của họ không nhất thiết gợi lên nỗi buồn.
2. Giảm đau
Nếu bạn bị kẹp vào một cánh cửa tủ hoặc dẫm chân lên một vật nhọn, cơn đau dữ dội đột ngột có thể khiến bạn chảy nước mắt. Tuy nhiên, bạn có nhiều khả năng sẽ khóc thật sự khi trải qua cơn đau đáng kể trong một thời gian dài, đặc biệt nếu bạn không thể làm gì nhiều để giảm đau.
Loại đau kéo dài này có thể đến từ cơn đau nửa đầu, sỏi thận, xương bị gãy, một chiếc răng bị sưng tấy đến mức áp xe, tình trạng đau mãn tính, lạc nội mạc tử cung, khi sinh con.
Tuy nhiên, có cơn đau đến mức khiến bạn khóc mà không mang lại tác dụng nào. Research Trusted Source đã chỉ ra rằng, khi bạn khóc, cơ thể sẽ tiết ra endorphin (chất hóa học được sản xuất tự nhiên bởi hệ thần kinh để đối phó với cơn đau hoặc căng thẳng) và oxytocin (hormone của con người được tiết ra và chi phối não bộ trong quá trình liên quan đến tình dục và tình cảm). Những "sứ giả hóa học" tự nhiên này giúp xoa dịu cảm xúc đau khổ cùng với nỗi đau thể xác. Nói cách khác, khóc là một hành vi tự xoa dịu.
3. Hình thành và củng cố các mối liên kết xã hội
Khóc khiến bạn rơi vào tình thế dễ bị tổn thương. Cảm xúc đang trải qua có thể khiến bạn mất tập trung, nhưng đôi mắt của bạn cũng nhòe đi vì nước mắt, khiến bạn khó nhìn rõ ràng. Từ góc độ tiến hóa, khóc sẽ khiến bạn gặp bất lợi trong tình huống chiến đấu hoặc bỏ chạy.
Trên thực tế, việc bộc lộ điểm yếu của bạn có thể nhận được thiện cảm từ người khác và thúc đẩy mối quan hệ xã hội. Hầu hết mọi người cần ít nhất một số hỗ trợ và đồng hành từ những người khác, và những ràng buộc này thậm chí còn trở nên quan trọng hơn trong thời điểm dễ bị tổn thương.
Khi bạn cho phép người khác nhìn thấy điểm yếu của mình, họ có thể đáp lại bằng lòng tốt, lòng trắc ẩn và các hình thức hỗ trợ tinh thần khác, góp phần tạo nên sự kết nối có ý nghĩa giữa con người với nhau.
4. Điều phối cảm xúc
Khi cảm xúc ở trạng thái cao độ mà bạn không biết làm thế nào để điều phối hoặc đối phó, khóc có thể là một cách để "xả ra" và giúp bạn nhẹ nhõm hơn. Không có gì bí mật khi nỗi đau tinh thần có thể gây ra đau khổ sâu sắc, vì vậy cảm giác buồn bã, tội lỗi hoặc lo lắng tràn ngập chắc chắn có thể khiến bạn rơi nước mắt.
Đàn ông thường ít khóc hơn phụ nữ. (Ảnh: Getty)
Tuy nhiên, bất kỳ cảm xúc nào dâng trào hoặc khó kiểm soát cũng có thể gây ra nước mắt, ngay cả khi chúng không cảm thấy đặc biệt đau đớn. Nếu bạn đã từng rơi nước mắt, bạn sẽ biết rằng, ngay cả những cảm xúc thường được coi là tích cực như tình yêu, sự sợ hãi, niềm vui, sự khao khát lãng mạn và lòng biết ơn cũng có thể khiến bạn khóc. Các chuyên gia tin rằng, những giọt nước mắt hạnh phúc này có thể giúp bạn xử lý và điều chỉnh những cảm xúc mãnh liệt.
5. Thể hiện sự đồng cảm
Khóc vì thương cảm là điều hoàn toàn có thể. Giống như việc những giọt nước mắt có thể thu hút sự quan tâm và ủng hộ từ người khác, bản thân bạn cũng có thể cảm thông khi nhìn thấy những giọt nước mắt của người khác. Khi chứng kiến nỗi đau của họ, bạn cũng có thể khóc. Thậm chí, việc người đó có thật hay chỉ là đối tượng hư cấu có thể là không quan trọng, theo một nghiên cứu vào năm 2016
Khóc để đáp lại nỗi đau của người khác không phải là một điều xấu. Trên thực tế, điều này gợi ý rằng bạn có thể xem xét các quan điểm khác và tưởng tượng một tình huống từ quan điểm của người khác. Tóm lại, điều đó có nghĩa là bạn là một người đồng cảm.
6. Để đáp ứng nhu cầu bản thân
Một số người cố tình khóc lóc để thao túng người khác, nhưng hành vi này không phải lúc nào cũng có ý đồ xấu đằng sau. Thay vào đó, mọi người có thể "bật khóc" khi họ không biết cách tốt hơn để đáp ứng nhu cầu của mình.
Hỗ trợ về mặt tinh thần là nhu cầu chính của con người, nhưng không phải lúc nào cũng dễ dàng thực hiện được. Sự bất lực rằng bạn không thể làm gì để cải thiện tình hình của mình cũng có thể thúc đẩy việc sử dụng nước mắt như một công cụ.
Nếu bạn cảm thấy mình không thể tự mình tạo ra thay đổi, bạn có thể cố gắng tìm kiếm sự thông cảm từ những người có thể đưa ra sự hỗ trợ. Tuy nhiên, những giọt nước mắt này có thể không nhất thiết là sự ép buộc, vì cảm giác thất vọng và bất lực có thể khiến hầu hết mọi người khóc.
Nếu bạn thấy mình thường xuyên dùng nước mắt thay cho các cách tiếp cận hiệu quả hơn để giao tiếp và giải quyết xung đột, nhà trị liệu có thể giúp bạn khám phá những lý do tiềm ẩn đằng sau hành vi này và tìm ra những cách lành mạnh hơn để thể hiện nhu cầu và cảm xúc của bạn.
Điều quan trọng là phải xem xét các khái niệm toàn cảnh hơn như đặc điểm tính cách, nền tảng văn hóa và sinh học khi nghĩ về lý do tại sao con người khóc.
Ví dụ, một số đặc điểm tính cách dường như có liên quan đến việc khóc. Bạn có thể khóc thường xuyên hơn nếu bạn có rất nhiều sự đồng cảm; bạn là người hay lo lắng, bận tâm; bạn gặp khó khăn trong việc điều chỉnh cảm xúc của mình...
Nền tảng văn hóa cũng có thể đóng một vai trò lớn trong hoàn cảnh khóc. Không có gì đáng ngạc nhiên khi những người sống trong xã hội được chấp nhận khóc nhiều hơn có thể khóc thường xuyên hơn. Đàn ông thường ít khóc hơn phụ nữ, có lẽ một phần là do nhiều nền văn hóa có xu hướng coi khóc là dấu hiệu của sự yếu đuối và thường không khuyến khích nam giới khóc.
Ngoài ra, về mặt sinh lý, phụ nữ nói chung có nhiều hormone prolactin, được cho là có tác dụng thúc đẩy việc khóc. Mặt khác, nam giới có mức testosterone cao hơn, một loại hormone có thể khiến đàn ông khó khóc hơn.
Hầu hết mọi người thỉnh thoảng khóc vì nhiều lý do. Nếu bạn cảm thấy do dự khi khóc trước mặt người khác, hãy nhớ rằng, khóc không thể hiện sự yếu đuối vì nước mắt thực sự có thể giúp mọi người nhận ra bạn đang trải qua sự đau đớn hay đau khổ, bạn có thể được lợi nhiều hơn khi để chúng rơi hơn là kìm lại. Vì vậy, hãy tiếp tục, hãy khóc nếu bạn muốn.
Điều gì xảy ra khi bạn khóc? VTV.vn - Khóc không chỉ là cảm giác đau khổ, nó gây ra một phản ứng cảm xúc, hệ thống nội tiết sản xuất ra hormone và khiến cho nước mắt chảy ra.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!