60% cư dân Singapore có thể đã mắc COVID-19, Philippines tiếp tục ghi nhận ca nhiễm và tử vong

Quỳnh Chi (Theo Worldometers)-Thứ tư, ngày 03/08/2022 06:09 GMT+7

Hơn 583,5 triệu người trên thế giới đã mắc virus SARS-CoV-2. (Ảnh: AP)

VTV.vn - Đến sáng 3/8, thế giới có trên 583,5 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 6,422 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.

Mỹ là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19 với tổng cộng trên 93,22 triệu ca mắc, trong đó có khoảng hơn 1,055 triệu trường hợp tử vong do bệnh này.

Theo bác sĩ Kevin O'Connor, chuyên gia chăm sóc y tế riêng của Tổng thống Mỹ Joe Biden, nhà lãnh đạo này vào ngày 2/8 vẫn tiếp tục có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19. Trong thông báo do Nhà Trắng công bố, bác sĩ Kevin O'Connor cho biết, ông Biden "vẫn cảm thấy khỏe mạnh dù hơi ho nhẹ trở lại". Vị bác sĩ riêng này nói thêm rằng Tổng thống Mỹ "không bị sốt và ở trạng thái tinh thần tốt".

Sau khi đã có kết quả xét nghiệm âm tính hồi giữa tuần trước, ông Biden lại dương tính với COVID-19 vào cuối tuần qua, hiện tượng mà bác sĩ O’Connor miêu tả là trường hợp "tái phát" vẫn gặp ở một tỷ lệ nhỏ bệnh nhân sử dụng thuốc kháng virus Paxlovid.

Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 2/8, nước này ghi nhận tổng cộng trên 44,05 triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn 526.400 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19 tại quốc gia Nam Á này.

Pháp hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 152.000 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 33,92 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này. Ngày 2/8, Pháp ghi nhận thêm 54.519 ca nhiễm virus SARS-CoV-2

Trên thế giới, giới khoa học cảnh báo chính phủ và người dân các nước ở Bắc bán cầu sẽ đối mặt thêm nhiều làn sóng COVID-19. Cảnh báo được đưa ra trong bối cảnh các nước này sắp bước vào mùa đông thứ ba kể từ khi đại dịch bùng phát.

Các chuyên gia y tế dự báo, riêng tại Mỹ, số ca mắc mới có thể lên tới 1 triệu ca/ngày vào mùa đông, cao gấp đôi so với số ca mắc hàng ngày hiện nay. Nhiều nước châu Âu cũng sẽ ghi nhận hàng loạt đợt bùng phát mới COVID-19. Tuy nhiên, số ca mắc mới có thể lại tăng nhưng số ca tử vong và nhập viện do COVID-19 rất có thể sẽ không tăng nhờ chiến dịch tiêm vaccine được triển khai rộng rãi.

Trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 phải nhập viện điều trị ở mức cao kỷ lục (vào ngày 26/7), giới chức y tế và chuyên gia Australia hối thúc các chủ sở hữu lao động cho phép nhân viên làm việc tại nhà nếu điều kiện cho phép.

Trước đó, Giám đốc Y tế Australia Paul Kelly cảnh báo, nước này đang trong "giai đoạn đầu của làn sóng dịch", đồng thời khuyến nghị các công ty, tập đoàn cho phép nhân viên làm việc tại nhà trong một vài tuần. Theo ông Kelly, điều này sẽ tạo ra sự khác biệt lớn trong việc phòng, chống dịch COVID-19.

60% cư dân Singapore có thể đã mắc COVID-19, Philippines tiếp tục ghi nhận ca nhiễm và tử vong - Ảnh 1.

Australia đang trong "giai đoạn đầu của làn sóng dịch" COVID-19 mới. (Ảnh: AP)

Australia đang trải qua đợt bùng phát dịch COVID-19 nghiêm trọng và là một trong những nước có tỷ lệ mắc và tử vong do COVID-19 cao nhất thế giới. Riêng trong ngày 26/7, nước này có tới 5.571 bệnh nhân phải điều trị trong bệnh viện do COVID-19, mức cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát. Số ca tử vong trung bình mỗi ngày trong tuần trước là 86 và vẫn đang tiếp tục tăng, gần với mức đỉnh trong làn sóng COVID-19 tồi tệ hồi tháng 1 vừa qua. Khoảng 95% tổng số người dân trên 12 tuổi ở nước này đã 2 liều vaccine phòng bệnh, nhưng mới có khoảng 62% trong số này tiêm mũi tăng cường.

Ngày 2/8, Australia ghi nhận 35.468 ca mắc mới COVID-19 và 96 bệnh nhân thiệt mạng.

Cùng ngày, Philippines thông báo ghi nhận thêm 2.646 ca mắc và 12 người thiệt mạng do COVID-19, nâng tổng số trường hợp nhiễm bệnh và tử vong ở nước này lần lượt là trên 3,78 triệu và 60.737. Philippines ghi nhận số ca mắc trong ngày cao nhất là 39.004 ca vào ngày 15/1. Đến nay, Philippines với dân số khoảng 110 triệu người đã hoàn thành tiêm chủng cho hơn 71,4 triệu người.

Singapore có thể triển khai tiêm nhắc lại vaccine phòng COVID-19 hàng năm để bảo vệ người dân trước nguy cơ bị tái nhiễm với biến thể mới của virus SARS-CoV-2. Trong những tháng tới, Bộ Y tế Singapore sẽ cố gắng xác định chu kỳ tiêm mũi nhắc lại. Các phương án đang được cân nhắc là tiêm nhắc lại sau mỗi 9 tháng hay một năm khi COVID-19 đã trở thành bệnh lưu hành.

Bộ trưởng Bộ Y tế Singapore cũng cảnh báo, Singapore cần phải cảnh giác với mối đe dọa từ một biến thể mới có khả năng lây nhiễm cao hơn, dẫn đến các bệnh nặng hơn hoặc phá vỡ khả năng bảo vệ của các loại vaccine hiện tại.

Ngày 1/8, Bộ trưởng Bộ Y tế Singapore Ong Ye Kung cho biết, Chính phủ Singapore ước tính khoảng 60% người dân nước này có thể đã mắc COVID-19. Phát biểu tại Quốc hội, Bộ trưởng Ong Ye King cho biết, con số trên không đồng nghĩa là Singapore hiện đã "miễn dịch cộng đồng" vì các nhà khoa học trên thế giới nhận định rằng không thể đạt được miễn dịch cộng đồng do virus SARS-CoV-2 sẽ tiếp tục biến đổi, tránh được vaccine và hệ miễn dịch.

Theo quan chức y tế Singapore, quốc gia Đông Nam Á này vẫn đang trong làn sóng dịch bệnh COVID-19 với biến thể phụ BA.5 của Omicron gây ra phần lớn các ca mắc. Tuy nhiên, trong 10 ngày qua, số ca mắc COVID-19 ở nước này ghi nhận xu hướng giảm. Bộ trưởng Ong Ye Kung nhận định số ca mắc sẽ tiếp tục giảm hơn nữa trong tuần này.

Tính đến ngày 2/8, Singapore ghi nhận tổng cộng trên 1,71 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 1.500 người tử vong.

Chính phủ Malaysia dừng áp dụng quy định xét nghiệm COVID-19 trước khi lên máy bay và xét nghiệm nhanh khi đến sân bay đối với khách nhập cảnh quốc gia này từ ngày 1/8. Quy định xét nghiệm COVID-19 trước và sau khi nhập cảnh cũng như những quy định cách ly tại nhà cũng không còn bắt buộc đối với du khách đến Malaysia.

Trước đó, Bộ Y tế Malaysia khẳng định, hệ thống chăm sóc sức khỏe của nước này đang vận hành và được kiểm soát tốt. Theo Bộ Du lịch, Nghệ thuật và Văn hóa Malaysia, hiện tại đã có 63 quốc gia được miễn thị thực nhập cảnh nước này trong 90 ngày, công dân từ 95 quốc gia khác được cấp thị thực tối đa 30 ngày. Hai quốc gia được cấp thị thực tối đa 14 ngày.

Cùng ngày, đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) đã giảm độ tuổi tối thiểu để tiêm vaccine ngừa COVID-19 của Sinovac (Trung Quốc) từ 3 năm xuống còn 6 tháng, sau khi có một số trẻ nhỏ bị mắc COVID-19. Trong thông báo, chính quyền Hong Kong cho biết, việc hàng loạt trẻ nhỏ bị nhiễm virus SARS-CoV-2, một số ca bệnh trở nặng, thậm chí là tử vong đã trở thành mối quan ngại lớn. Do đó, chính quyền đã quyết định hạ độ tuổi tiêm phòng COVID-19.

Bên cạnh đó, nhà chức trách Hong Kong cho biết họ cũng đang đàm phán với công ty Fosun của Trung Quốc (chuyên cung cấp vaccine ngừa COVID-19 do Pfizer-BioNTech sản xuất) để mua công thức sản xuất vaccine cho trẻ em. Hiện độ tuổi tối thiểu để được tiêm vaccine của Pfizer-BioNTech là 5.

60% cư dân Singapore có thể đã mắc COVID-19, Philippines tiếp tục ghi nhận ca nhiễm và tử vong - Ảnh 2.

Hong Kong đã ghi nhận hơn 1,36 triệu ca mắc kể từ đầu dịch. (Ảnh: AP)

Khoảng 90% trong số hơn 7 triệu dân của Hong Kong đã tiêm 2 mũi cơ bản vaccine ngừa COVID-19 và khoảng 67% dân số đã tiêm 3 mũi. Người dân có thể lựa chọn giữa vaccine của Sinovac và của BioNTech. Ngày 1/8, nhóm chuyên gia cố vấn của Hong Kong cũng khuyến nghị nên tiêm liều vaccine thứ 4 cho những người trên 50 tuổi.

Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, Hong Kong đã ghi nhận hơn 1,36 triệu ca mắc và trên 9.500 trường hợp tử vong, trong đó hầu hết tập trung vào tháng 2 và tháng 3 do biến thể Omicron lây lan nhanh chóng. Trong những tuần gần đây, Hong Kong đã ghi nhận 3.000 - 4.000 ca nhiễm mới mỗi ngày, làm dấy lên lo ngại về nguy cơ dịch COVID-19 bùng phát trở lại.

Chính quyền đặc khu hành chính Macau (Trung Quốc) thông báo sẽ mở lại hoạt động các dịch vụ công cộng và giải trí, cho phép các nhà hàng ăn uống bán tại chỗ bắt đầu từ ngày 2/8 sau khi không ghi nhận ca mắc mới COVID-19 trong 9 ngày liên tiếp. Các cơ sở làm đẹp, trung tâm thể thao và quán bar cũng được phép nối lại hoạt động. Người dân vẫn phải chấp hành quy đeo khẩu trang khi ra đường và trình xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 trong 3 ngày gần nhất để có thể ra vào các địa điểm.

Hồi giữa tháng 6, Macau ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 cao nhất từ đầu dịch, khoảng 1.800 ca. Đây là lần đầu tiên Macau phải đối mặt với tình trạng lây lan biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2. Chính quyền đặc khu đã phải đóng cửa các casino và phong tỏa phần lớn thành phố nhằm kiếm chế các đợt bùng phát dịch. Hơn 90% dân số tại đây đã được tiêm đủ liều cơ bản vaccine ngừa COVID-19, song do chỉ có một bệnh viện công hoạt động nên hệ thống y tế nơi đây đã gặp nhiều áp lực từ trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát.

Macau đã mở cửa trở lại các casino vào ngày 23/7, nhưng các cơ sở này chưa thể hoạt động bình thường trong vài tuần tới do các hạn chế nghiêm ngặt vẫn còn hiệu lực. Các cơ sở này đang chịu tình trạng thua lỗ do ảnh hưởng của dịch bệnh, sau khi từng đạt doanh thu 36 tỷ USD trong năm 2019, trước khi dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát.

Các nhà khoa học Trung Quốc và Mỹ đã phát triển được 2 kháng thể kết hợp chống COVID-19 có thể có tác dụng 2 trong 1 khi điều trị các ca nhiễm biến thể Omicron. Nghiên cứu đã được đăng trên tạp chí Cell Research.

Cụ thể, các nhà nghiên cứu của Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc, Học viện Khoa học Trung Quốc, Trung tâm Khoa học y tế của Đại học Texas ở San Antonio (Mỹ) đã thiết kế những kháng thể nano có khả năng bảo vệ cơ thể trước nhiều biến thể gây quan ngại của virus SARS-CoV-2, trong đó có Omicron. Với khả năng đột biến để thích nghi, những biến thể này đã gây ra những đợt bùng phát mới, kể cả ở những nhóm đã tiêm phòng COVID-19.

Các thí nghiệm tế bào đã chứng minh rằng sau khi kết hợp, hai kháng thể nano aRBD-2-5 và aRBD-2-7 có khả năng trung hòa đối với tất cả biến thể được thử nghiệm bao gồm cả biến thể phụ BA.1, BA.1.1 và BA.2 của Omicron. Trong quá trình nghiên cứu trên chuột hamster vàng Syria, kháng thể aRBD-2-5 đã phát huy hiệu quả khi loại bỏ được biến thể phụ BA.1.

Nghiên cứu trên đã cung cấp giải pháp mới trong việc phát triển những kháng thể phổ rộng giúp điều trị hiệu quả COVID-19.

Bệnh nấm đen ở những bệnh nhân COVID-19 Bệnh nấm đen ở những bệnh nhân COVID-19 Vi khuẩn đường ruột ở trẻ có thể phòng COVID-19 thể nặng Vi khuẩn đường ruột ở trẻ có thể phòng COVID-19 thể nặng Hàn Quốc ghi nhận thêm 21 ca tử vong vì COVID-19 Hàn Quốc ghi nhận thêm 21 ca tử vong vì COVID-19

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước