Trở lại nắm quyền ở Kabul cách đây 1 năm, Taliban khẳng định phiên bản mới của họ sẽ khác so với cách đây 20 năm. Và 1 năm sau trở lại, còn cần rất nhiều nỗ lực để thực hiện các lời hứa. Lời cam kết đảm bảo an ninh đứng trước nhiều thách thức, với sự hoạt động phá hoại của nhiều nhóm khủng bố. Cam kết giảm bớt khắc nghiệt với phụ nữ, trẻ em gái, với các nhóm thiểu số cũng đang đứng trước dấu hỏi.
Bà Charlotte Slente - Tổng thư ký Hội đồng người tị nạn Đan Mạch cho rằng: "Chúng tôi rất tiếc khi thấy các biện pháp mới về giáo dục trung học cho trẻ em gái ở đất nước này. Tôi nghĩ để Afghanistan tiến lên phía trước, họ cần huy động nguồn lực của toàn bộ dân số, chúng ta tin phụ nữ có thể đóng góp cho nền kinh tế".
97% dân số Afghanistan đang sống trong tình trạng nghèo đói cùng cực
Về kinh tế, Taliban muốn chấm dứt sự phụ thuộc của Afghanistan vào viện trợ nước ngoài thông qua tăng cường thu thuế. Chính quyền Taliban cũng tìm cách xóa bớt thủ tục giấy tờ trong xuất khẩu trái cây và than tới các nước láng giềng. Ước tính kim ngạch xuất khẩu của Afghanistan trong năm 2022 là 1,8 tỷ USD, đã tăng khoảng 1,5 lần so với năm 2019.
Cam kết giảm bớt khắc nghiệt với phụ nữ, trẻ em gái, với các nhóm thiểu số cũng đang đứng trước dấu hỏi.
Tuy nhiên, tình trạng hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh kéo dài 2 năm qua khiến sản lượng lương thực và cả nền kinh tế của Afghanistan khủng hoảng nghiêm trọng. Theo nghiên cứu của Liên Hợp Quốc, 97% dân số Afghanistan đang sống trong tình trạng nghèo đói cùng cực, hơn 1,1 triệu trẻ em Afghanistan dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng, trong khi Afghanistan hiện đang phải đối phó với nhiều dịch bệnh khẩn cấp như COVID-19, bệnh sởi, tiêu chảy cấp và sốt xuất huyết bùng phát cùng lúc.
Bác sĩ Mohammad Ashraf - Bệnh viện nhi Indira Gandhi ở Kabul, Afghanistan cho biết: "Có một thực tế là sự khốn khổ và nghèo đói đang gia tăng ở từng ngày. Tỷ lệ đói nghèo càng cao, các trường hợp suy dinh dưỡng càng nhiều. Tôi hy vọng cộng đồng quốc tế và các tổ chức cứu trợ giúp đỡ người dân nghèo, đặc biệt là những người bị suy dinh dưỡng".
Tuy nhiên sau 1 năm, chính quyền Taliban cũng đã gây dựng được một số thành tựu. Về việc giảm thiểu tham nhũng, Afghanistian giờ đây ít tham nhũng hơn, an toàn hơn và ít bạo lực hơn so với với những thập niên trước. Về phúc lợi xã hội, chăm sóc sức khỏe, giáo dục và hệ thống pháp luật ngày càng dễ tiếp cận hơn, nhưng còn hạn chế do thiếu cơ sở vật chất.
Hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh kéo dài 2 năm qua khiến sản lượng lương thực và cả nền kinh tế của Afghanistan khủng hoảng nghiêm trọng.
Chính quyền Taliban hiện chưa được quốc tế công nhận, trong khi Mỹ và các nước phương Tây đã đóng băng khối tài sản trị giá gần 10 tỷ USD của nước này. Ngoài ra, các nước phương Tây cùng các thể chế cho vay quốc tế cũng đã đình chỉ, tạm dừng nhiều khoản vay, khoản viện trợ cho Afghanistan cho tới khi nào Taliban thực hiện các cam kết của mình với người dân.
Cánh cửa ngoại giao vẫn đóng với Taliban
Một năm qua, thông qua nhiều hoạt động đối ngoại, Taliban đã nỗ lực khẳng định vị thế lãnh đạo chính thức đối với đất nước Afghanistan. Tuy vậy con đường tiến tới sự công nhận đầy đủ của cộng đồng quốc tế vẫn còn rất nhiều chông gai. Một năm sau khi lên nắm quyền, vẫn chưa có quốc gia nào công nhận chính thức Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan. Các lo ngại về vấn đề quyền cho phụ nữ và trẻ em gái, nghi ngại về quan hệ giữa Taliban và các tổ chức khủng bố trong khu vực, hai trong những lý do nổi bật khiến quốc tế còn dè dặt khi đặt vấn đề thiết lập quan hệ ngoại giao.
Ông Tomas Niklasson - Đặc phái viên của EU về Afghanistan nói: "Những gì phụ nữ Afghanistan muốn không phải là thay đổi cách ăn mặc, đó là về nuôi sống gia đình, tiếp cận trường học, chăm sóc sức khỏe, cơ hội làm việc. Điều này đã tạo ra những hoài nghi trong chúng tôi về những cam kết của Taliban hay độ đáng tin cậy của họ với tư cách là một đối tác quốc tế".
Hơn 1,1 triệu trẻ em Afghanistan dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng
Một số quốc gia như Nga, Trung Quốc, Iran, Turkmenistan, Pakistan đã chấp nhận các đại biện lâm thời do Taliban tiến cử để thay thế cho các đại sứ thuộc chính quyền cũ. Tuy vậy, nội dung trao đổi vẫn dừng lại ở ngăn dòng người tị nạn hay những đường dây tội phạm xuyên biên giới, chưa có công nhận chính thức về mặt ngoại giao.
Không được công nhận, đồng nghĩa một sự cô lập với chính quyền hiện tại của Afghanistan. Taliban không thể tiếp cận và sử dụng tài sản của Afghanistan ở nước ngoài. Không có giao thương, không có viện trợ tài chính và nhân đạo trực tiếp. Sau khi Taliban lên nắm quyền, Mỹ đã đóng băng 7 tỷ USD dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Trung ương Afghanistan và cắt đứt các cuộc đàm phán với Taliban về khoản tiền này.
Ông Abdul Qahar Balkhi - Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Afghanistan chia sẻ: "Chúng tôi đang liên lạc với Mỹ. Chúng tôi có nhiều cuộc họp đề cập đến tài sản của người dân Afghanistan. Chúng tôi đã nói rất rõ rằng nó không thuộc về bất kỳ chính phủ nào trước đây và chúng tôi mong đợi số tài sản này sẽ được phong tỏa mà không kèm theo bất kỳ điều kiện nào để nền kinh tế Afghanistan có thể hoạt động".
Thông qua nhiều hoạt động đối ngoại, Taliban đã nỗ lực khẳng định vị thế lãnh đạo chính thức đối với đất nước Afghanistan.
Thủ lĩnh tối cao Taliban khẳng định Afghanistan có vai trò quan trọng trong hòa bình và ổn định thế giới. Và vì lẽ đó, thế giới nên công nhận Tiểu Vương quốc Hồi giáo Afghanistan. Trong khi đó, cộng đồng quốc tế vẫn kiên định điều kiện Taliban phải thành lập một chính phủ toàn diện có tính bao trùm hơn đại diện cho sự đa dạng của xã hội Afghanistan về chính trị, dân tộc và giáo phái, cũng như tôn trọng nhân quyền và chống khủng bố.
Việc Mỹ cuối tháng trước phanh phui sự hiện diện và tiêu diệt thủ lĩnh al-Qaeda Zawahiri ở ngay giữa thủ đô của Afghanistan có thể phá hủy nốt sự tin tưởng ít ỏi với Taliban và đảo ngược các bước hướng tới bình thường hóa quan hệ.
An ninh của Afghanistan - vấn đề của cả khu vực
Giữa rất nhiều những lo ngại, thách thức, như vùng trũng về nhân đạo, đói nghèo, hay quyền của phụ nữ và các sắc dân thiểu số, vấn đề an ninh và chống khủng bố cũng vẫn đặt một dấu hỏi về những nỗ lực Taliban đã bỏ ra. Việc thủ lĩnh Al-Qaeda al-Zawahri bị tiêu diệt ở Kabul là một bước lùi.
Đói nghèo, hay quyền của phụ nữ và các sắc dân thiểu số đang đặt một dấu hỏi về những nỗ lực của Taliban
Báo cáo gần đây của Liên Hợp Quốc kết luận rằng al-Qaeda vẫn ẩn náu ở Afghanistan, bất chấp cam kết "không dung túng" của Taliban trong thỏa thuận Doha. Nhiều tổ chức khủng bố khác cũng đang hoạt động ở đây.
Nhiều ý kiến cho rằng, môi trường an ninh bất ổn, kết hợp với thái độ khác nhau của quốc tế về tình hình Afghanistan là điều kiện để chủ nghĩa khủng bố phát triển và mở rộng. Rằng vấn đề an ninh của Afghanistan không là của riêng nước này và thế giới cần cùng nhau tìm kiếm giải pháp, khi không ai muốn nơi đây trở thành cái nôi của chủ nghĩa khủng bố thêm lần nữa.
Cuối tháng 7 vừa qua, Ngoại trưởng Taliban Amir Khan Muttaqi trấn an các đại diện tham dự hội nghị quốc tế ở Uzbekistan, rằng chính quyền sẽ không cho phép "bất cứ thành viên, các nhân hay tổ chức nào, trong đó có cả Al Qaeda, dấy lên mối đe dọa an ninh các nước khác từ lãnh thổ Afghanistan".
Nhưng chỉ trong vòng 1 tuần sau đó, một máy bay không người lái của Mỹ tiến hành tấn công và tiêu diệt thủ lĩnh Al Qaeda Ayman al-Zawahiri ngay tại thủ đô Kabul.
Ông John Kirby - Người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ nói: "Tôi nghĩ rằng Taliban đã phải trả một cái giá khi cộng đồng quốc tế nhận ra rằng họ có mối liên hệ với AL-Qaeda vì chứa chấp Al- Zawahiri và gia đình anh ta".
Tình báo Mỹ cho biết, ngôi nhà an toàn nơi al-Zawahiri đang ở thuộc sở hữu của một trợ lý hàng đầu của thủ lĩnh cao cấp của Taliban
Ông Bruce Hoffman - Thành viên cao cấp tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, Đại học Georgetown: "Điều này cho thấy tất cả những lời bảo đảm của Taliban đối với Mỹ là vô nghĩa khi tuyên bố rằng không liên minh với al-Qaeda, không ủng hộ al-Qaeda, không cho phép al-Qaeda tập hợp và tổ chức lại".
Báo cáo gần đây của Liên Hợp Quốc kết luận rằng không chỉ al-Qaeda đang ẩn náu ở Afghanistan, rất nhiều tổ chức khủng bố khác cũng đang hoạt động ở quốc gia Tây Nam Á này, như nhóm Nhà nước Hồi giáo Khorasan, nhóm khủng bố Lashkar-e-Taiba và nhóm khủng bố Jaish-e-Mohammed.
Ông Andrew Mines - Nhà nghiên cứu, chương trình Nghiên cứu chủ nghĩa cực đoan, Đại học George Washington: "Nhiều nhóm khủng bố ở Afghanistan đang lợi dụng cái chết của Al-Zawahri để nâng cao vị thế của mình. Đây sẽ là giai đoạn cực kỳ khó khăn với Taliban".
Sự cố gắng của riêng Taliban là không đủ để có thể chấm dứt tiếng súng và sự đổ máu ở quốc gia Nam Á này.
Trong thỏa thuận Doha mà Taliban ký kết với chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump năm 2020, lực lượng hiện đang cầm quyền tại Afghanistan từng cam kết, không để lãnh thổ quốc gia Nam Á trở thành nơi khủng bố ẩn náu
Ông John Kirby - Người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ: "Taliban luôn có một sự lựa chọn là tuân thủ các cam kết của họ trong Thỏa thuận Doha. Taliban từng nói họ muốn tự quản lý, họ muốn được thừa nhận, muốn có tài chính, muốn có sự hỗ trợ quốc tế. Nếu vậy thế giới cũng kỳ vọng rằng Taliban sẽ hành xử theo cách phù hợp cho những mục tiêu đó".
Vạch ra ranh giới rõ ràng với các tổ chức khủng bố quốc tế, là một trong những yêu cầu để cộng đồng quốc tế công nhận Taliban. Tuy nhiên, với một chính quyền non trẻ cùng hàng loạt các khó khăn chồng chất, thì sự cố gắng của riêng Taliban là không đủ để có thể chấm dứt tiếng súng và sự đổ máu ở quốc gia Nam Á này.
Một lộ trình hòa bình, vừa đảm bảo nội trị, vừa tìm kiếm thành công sự thừa nhận quốc tế, giữa chồng chất khó khăn trong vận hành, tái thiết một xã hội. Nhiều thách thức với Taliban, một phong trào chưa thể nói là có nhiều kinh nghiệm trong quản trị, điều hành một nhà nước. Một năm có thể chưa nhiều để hiện thực hóa cam kết một chính phủ toàn diện, bao trùm, đảm bảo kinh tế cho người dân, nhưng cũng là một năm không ít chuyển dịch trong các vận động chiến lược và các vấn đề an ninh mới, đặt ra quanh quốc gia nhiều vết cắt này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!