Ấn Độ dự trữ lúa mì để ngăn chặn xảy ra nạn đói. (Ảnh: Reuters)
Một thông báo trên công báo chính phủ của Tổng cục Ngoại thương Ấn Độ cho biết, giá lúa mì toàn cầu đã tăng đột biến, một phần do cuộc xung đột ở Ukraine, đe dọa an ninh lương thực của Ấn Độ, các nước láng giềng và những quốc gia dễ bị tổn thương khác.
Chính phủ Ấn Độ xác nhận họ vẫn sẽ cho phép xuất khẩu lúa mì đối với hợp đồng mua bán đã được ký kết từ trước đó và theo yêu cầu từ các quốc gia đang cố gắng "đáp ứng nhu cầu an ninh lương thực của họ".
Trước khi có lệnh cấm, Ấn Độ đã đặt mục tiêu xuất khẩu kỷ lục 10 triệu tấn lúa mì trong năm nay.
Người mua toàn cầu vẫn tin tưởng Ấn Độ, quốc gia sản xuất lúa mì lớn thứ hai thế giới, trong việc cung cấp nguồn cung sau khi việc xuất khẩu mặt hàng này từ khu vực Biển Đen sụt giảm do cuộc xung đột Nga - Ukraine.
Trước khi xảy ra khủng hoảng Nga - Ukraine, hai nước này chiếm 1/3 lượng lúa mì và lúa mạch xuất khẩu toàn cầu.
Kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào ngày 24/2, các cảng của Ukraine đã bị phong tỏa, cơ sở hạ tầng dân sự và hầm chứa ngũ cốc đã bị phá hủy.
Lệnh cấm của Ấn Độ có thể đẩy giá lương thực toàn cầu lên mức đỉnh mới và ảnh hưởng đến người tiêu dùng có thu nhập thấp ở châu Á và châu Phi.
Lệnh cấm xuất khẩu lúa mì của Ấn Độ có thể đẩy giá toàn cầu lên một tầm cao mới. (Ảnh: Reuters)
"Lệnh cấm này gây sốc", một đại lý có trụ sở tại Mumbai của một công ty thương mại toàn cầu cho biết. "Chúng tôi đã kỳ vọng hạn chế xuất khẩu sẽ được công bố sau hai đến ba tháng tới, nhưng (dường như) tình trạng lạm phát đã khiến Chính phủ thay đổi ý định".
Giá thực phẩm và năng lượng tăng đã đẩy lạm phát bán lẻ hàng năm của Ấn Độ vào tháng 4 lên mức cao nhất trong 8 năm qua, củng cố quan điểm của các nhà kinh tế rằng Ngân hàng trung ương sẽ phải tăng lãi suất mạnh hơn để kiềm chế giá cả.
Giá lúa mì ở Ấn Độ đã tăng lên mức cao kỷ lục, tại một số thị trường giao ngay giá lên tới 25.000 Rupee/tấn (465 USD/tấn), trong khi Chính phủ Ấn Độ cố định mức giá hỗ trợ tối thiểu là 20.150 Rupee.
Mặc dù là nước sản xuất lúa mì lớn thứ hai thế giới, nhưng Ấn Độ lại tiêu thụ hầu hết lượng lúa mì mà nước này sản xuất.
Nước này đã đặt mục tiêu xuất khẩu 10 triệu tấn ngũ cốc trong giai đoạn năm 2022 - 2023, tìm cách tận dụng sự gián đoạn toàn cầu đối với nguồn cung lúa mì do chiến tranh và tìm thị trường mới cho lúa mì của mình ở châu Âu, châu Phi và châu Á.
Phần lớn trong số hàng xuất khẩu này sẽ được chuyển đến các nước đang phát triển khác như Indonesia, Philippines và Thái Lan.
Ngoài các vấn đề về thời tiết làm ảnh hưởng đến thu hoạch, dự trữ lúa mì khổng lồ của Ấn Độ, nhằm hỗ trợ chống lại nạn đói, đã bị căng thẳng bởi việc phân phối ngũ cốc miễn phí trong đại dịch cho khoảng 800 triệu người.
Tuy nhiên, nhiệt độ tăng mạnh và đột ngột vào giữa tháng 3 khiến quy mô cây trồng có thể thấp hơn dự kiến khoảng 100 triệu tấn hoặc thậm chí thấp hơn so với ước tính của Chính phủ, với mức cao nhất thời điểm là 111,32 triệu tấn.
Hoạt động thu mua của Chính phủ Ấn Độ đã giảm hơn 50%. Các thị trường giao ngay đang nhận được nguồn cung thấp hơn nhiều so với năm 2021. Tất cả những điều này cho thấy sản lượng mùa vụ thấp hơn.
Trong tháng 4, Ấn Độ đã xuất khẩu kỷ lục 1,4 triệu tấn lúa mì và các thỏa thuận đã được ký kết để xuất khẩu khoảng 1,5 triệu tấn trong tháng 5.
Lệnh cấm của Ấn Độ sẽ nâng giá lúa mì toàn cầu. Hiện tại không có nhà cung cấp lớn nào trên thị trường (ngoài Ấn Độ).
Các nước Tây Âu mất mùa lúa mì VTV.vn - Lúa mì mất mùa tại nhiều nước Tây Âu, trong khi giá lúa không tăng gây thiệt hại không chỉ tới các trang trại trồng lúa mì, mà còn tác động xấu tới cả ngành chăn nuôi.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!