Bộ trưởng Bộ Y tế Ấn Độ Mansukh Mandaviya ngày 6/2 thông báo, nhà chức trách nước này đã cấp phép sử dụng khẩn cấp đối với vaccine COVID-19 Sputnik Light. Trên mạng xã hội Twitter, ông Mandaviya khẳng định, quyết định này sẽ tăng cường hơn nữa nỗ lực của Ấn Độ trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19.
Ông viết: "Cơ quan kiểm soát dược phẩm đã cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine Sputnik Light đơn liều ở Ấn Độ. Đây là vaccine COVID-19 thứ 9 tại nước này, sẽ giúp tăng cường hơn nữa cuộc chiến chống đại dịch COVID-19".
Cơ quan Kiểm soát dược phẩm Ấn Độ cho biết, giấy phép được cấp dựa trên cơ sở dữ liệu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 và 2 của Sputnik Light ở Nga, cùng với dữ liệu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 ở Nga và một số quốc gia khác.
Cũng theo bộ Y tế Ấn Độ, vaccine này có thể được sử dụng làm liều tăng cường cho các nhóm dân số đủ điều kiện.
Sputnik Light là một thành phần của vaccine hai liều Sputnik V nhưng hai liều này khác nhau. Sputnik Light chứa các thành phần được sử dụng trong liều đầu tiên của Sputnik V.
Sputnik Light là một thành phần của vaccine hai liều Sputnik V. (Ảnh: AP)
Hiện Sputnik Light đã được đăng ký tại hơn 30 quốc gia với tổng dân số trên 2,5 tỷ dân. Một số quốc gia như Argentina, Bahrain, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), San Marino và Philippines đã cho phép sử dụng Sputnik Light làm liều tăng cường.
Liên quan đến vaccine COVID-19, Ấn Độ đã sẵn sàng đưa vào sử dụng loại vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên trên thế giới sử dụng công nghệ ADN do nước này sản xuất tại bang Bihar. Vaccine này có tên là ZyCoV-D, sử dụng một đoạn vật liệu di truyền từ virus chứa chỉ dẫn dưới dạng ADN hoặc ARN. Khi được đưa vào cơ thể, vaccine sẽ tạo ra các protein gai như của virus SARS-CoV-2 để kích thích phản ứng miễn dịch của cơ thể.
Khác với hầu hết các loại vaccine hiện có cần một đến hai mũi, vaccine ZyCoV-D được chia thành ba mũi và giữ được "trạng thái ổn định tốt" ở 25°C trong ít nhất 3 tháng. Nhà sản xuất loại vaccine này kỳ vọng có thể sản xuất 100 triệu đến 120 triệu liều vaccine ZyCoV-D mỗi năm. Trước đó, vaccine ZyCoV-D đã được Cơ quan Quản lý dược phẩm Ấn Độ cấp phép sử dụng khẩn cấp cho cả người lớn và thiếu niên.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!