Ấn Độ phê chuẩn sử dụng khẩn cấp vaccine COVID-19 công nghệ ADN đầu tiên trên thế giới. (Ảnh: The Times of India)
Đây là loại vaccine sử dụng công nghệ ADN đầu tiên trên thế giới.
Vaccine có tên là ZyCoV-D, sử dụng một đoạn vật liệu di truyền từ virus chứa chỉ dẫn dưới dạng ADN hoặc ARN để tạo ra protein gai. Đó là cơ chế mà virus dùng để bám vào người, qua đó kích hoạt phản ứng của hệ miễn dịch nhận ra và phản ứng lại. Vaccine này sử dụng công nghệ ADN plasmid, tức là đưa vào cơ thể người plasmid được sửa đổi gene có chứa trình tự ADN của mầm bệnh. Vaccine được phát triển theo công nghệ này được cho là có thể dễ dàng thích nghi để đối phó với các đột biến ở virus.
Khác với hầu hết các loại vaccine ngừa COVID-19 hiện có cần 1 đến 2 mũi tiêm, vaccine ZyCoV-D được chia thành 3 mũi. Loại vaccine này có thể bảo quản ở nhiệt độ 25°C trong ít nhất 3 tháng.
Trong phiên giải trình tại khóa họp thường kỳ của Thượng viện Ấn Độ mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Mansukh Mandaviya cho biết, nước này hy vọng, vào khoảng tháng 10 - 11, sẽ có trên 4 công ty dược Ấn Độ bắt đầu sản xuất các dòng vaccine nội địa. Điều này sẽ giúp đáp ứng nhu cầu đang rất cao ở trong nước.
Vaccine ZyCoV-D được chia thành 3 mũi. (Ảnh: Indian Express)
Dự kiến, vaccine của công ty dược Ấn Độ Biological E và hãng dược Thụy Sỹ Novartis sẽ ra mắt thị trường trong vài tháng tới, trong khi vaccine của Zydus Cadila sẽ sớm được Hội đồng chuyên môn cấp giấy phép sử dụng khẩn cấp.
Từ tháng 7, Zydus Cadila đã thông báo, vaccine của hãng có hiệu quả trong việc chống lại các biến thể của virus SARS-CoV-2, đặc biệt là biến thể Delta. Hãng đặt mục tiêu sản xuất từ 100 triệu đến 120 triệu liều vaccine ZyCoV-D mỗi năm và đã bắt đầu tích trữ vaccine.
Để có được vaccine này, Zydus Cadila đã tiến hành chiến dịch thử nghiệm lâm sàng lớn nhất Ấn Độ cho tới nay với trên 50 trung tâm thử nghiệm. Đây là loại vaccine ngừa COVID-19 thứ hai do doanh nghiệp Ấn Độ tự phát triển và loại thứ 6 được cấp phép sử dụng ở nước này, nơi mới chỉ có 9,18% dân số được tiêm đủ liều vaccine.
Hồi tháng 1/2021, Ấn Độ đã cấp phép sử dụng khẩn cấp với vaccine Covaxin do công ty dược nội địa Bharat Biotech nghiên cứu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!