Ấn Độ phóng 104 vệ tinh vào không gian chỉ với 1 tên lửa

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 19/02/2017 14:32 GMT+7

VTV.vn - Tuần vừa qua, Ấn Độ đã phóng thành công một tên lửa đẩy mang theo 104 vệ tinh. Vụ phóng tên lửa này đã làm “nóng” lên cuộc đua vào không gian ở châu Á.

Tuần vừa qua, Ấn Độ đã phóng thành công một tên lửa đẩy mang theo 104 vệ tinh. Số lượng vệ tinh được đánh giá là kỷ lục trong một lần phóng. Vượt xa thành tích 37 vệ tinh mà Nga xác lập vào năm 2014. Với lần phóng này, Ấn Độ tiếp tục khẳng định vị thế của mình trên thị trường hàng không vũ trụ quốc tế, đồng thời làm nóng lên cuộc đua vào không gian ở châu Á. Đây cũng là nhận định mà các trang báo quốc tế đưa ra khi đề cập về sự kiện.

Tờ thời báo Kuwait đánh giá, vụ phóng thành công số lượng kỷ lục vệ tinh lần này là một thành quả đáng tự hào nữa đối với Ấn Độ. Quốc gia này đang nổi lên như một nhà cung cấp dịch vụ chi phí thấp và đáng tin cậy trên thị trường hàng không vũ trụ. Để so sánh, năm 2013, Ấn Độ chỉ mất 73 triệu USD để đưa tàu thăm dò vào quỹ đạo sao Hỏa, bằng 1/10 so với chi phí của Cơ quan hàng không và Vũ trụ Mỹ NASA. Thậm chí, số tiền này còn thấp hơn chi phí làm bộ phim đình đám về không gian của Hollywood mang tên Gravity (hay được biết đến là Cuộc chiến không trọng lực).

Theo tờ Thời báo tài chính, tham vọng không gian của Ấn Độ ban đầu nhằm phục vụ cho mục đích nông nghiệp, cung cấp thông tin về thời tiết và tình trạng đất đai cho người nông dân. Nhưng gần đây còn xuất hiện một động lực khác đôi khi còn vượt trội mục đích ban đầu. Đó là việc duy trì niềm tự hào quốc gia trước sự cạnh tranh quyết liệt của các đối thủ. Tờ báo lấy ví dụ Ấn Độ đặc biệt tự hào trước thực tế là nước này đã vượt qua Trung Quốc, phóng thành công tàu thăm dò sao Hỏa của mình, trở thành quốc gia đầu tiên ở châu Á làm được điều như vậy.

Không phải Mỹ đối đầu với Nga, cuộc đua không gian thực sự đang diễn ra tại châu Á. Đây là nhận xét từ một bài viết trên trang mạng hãng tin Mỹ CNN. Cả Ấn Độ, Trung Quốc và Nhật Bản đều vạch ra những kế hoạch lớn trong năm 2017 và xa hơn. Thậm chí, cả Hàn Quốc cũng có những tham vọng của riêng mình. Bài viết ví sự cạnh tranh ngày càng tăng về sức mạnh và uy tín trong lĩnh vực chinh phục vũ trụ của các nước khu vực châu Á giống như cuộc đua thời chiến tranh lạnh.

Sự cạnh tranh còn thể hiện trên mặt báo. Tờ Thời báo hoàn cầu (Trung Quốc) đăng bài viết dành lời khen cho thành tựu của Ấn Độ. Tuy nhiên, bài viết này nhận xét Ấn Độ vẫn bị Trung Quốc và Mỹ bỏ xa về công nghệ thám hiểm không gian. Bài viết có đoạn: "cuộc đua về không gian không chỉ tập trung vào việc có bao nhiêu vệ tinh trong một lần phóng". Do đó thành tựu của Ấn Độ mang hạn chế về mặt ý nghĩa.

Đáp lại những nhận xét về chương trình vũ trụ của Ấn Độ, mới đây người đứng đầu Tổ chức Nghiên cứu Không gian Ấn Độ Kiran Kumar tuyên bố, mỗi người có cách hiểu khác nhau về thành tựu mà Ấn Độ đạt được.

Tờ New Indian Express của Ấn Độ trích lời ông Kumar cho rằng, sự khác biệt nằm ở ngân sách dành cho chương trình không gian. Mặc dù Ấn Độ có thể không chi nhiều bằng nước khác, nhưng họ đã làm được những thứ mà không ai làm được với chi phí thấp như vậy.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước