Sứ mệnh Chandrayaan-3 được phóng vào ngày 14/7 và mất 41 ngày để hạ cánh xuống bề mặt mặt trăng.
Ông P.Veeramuthuvel, Giám đốc Dự án sứ mệnh mặt trăng Chandrayaan-3 của Ấn Độ, nói: "Toàn bộ hoạt động của sứ mệnh ngay từ khi phóng cho đến khi hạ cánh diễn ra hoàn hảo theo đúng tiến trình. Chúng tôi đã trở thành quốc gia thứ tư hạ cánh xuống bề mặt mặt trăng và trở thành quốc gia đầu tiên đi đến gần tới cực nam của mặt trăng".
Bà Ruchira Kamboj, Đại sứ Ấn Độ tại Liên hợp quốc, nhận định: "Thành tựu này không chỉ đánh dấu sự hiện diện của Ấn Độ trên mặt trăng mà còn tượng trưng cho khát vọng của 1,4 tỷ người Ấn Độ. Ngoài ra, đây còn là một thời khắc lịch sử đối với nhân loại vì chúng tôi tới được khu vực chưa được khám phá gần cực Nam của mặt trăng. Như Thủ tướng Ấn Độ Modi đã nói, thành công thuộc về tất cả chúng ta và hứa hẹn những thành tựu khoa học trong tương lai mang lại lợi ích cho toàn thể nhân loại".
Trong vài năm qua, Ấn Độ đã không ngừng thúc đẩy nỗ lực thám hiểm không gian. Với sự trợ giúp của hơn một trăm công ty khởi nghiệp về công nghệ vũ trụ, quốc gia Nam Á này đã đạt được tiến bộ đáng kể trong việc phát triển các giải pháp như phương tiện phóng, vệ tinh và hình ảnh Trái đất siêu phổ.
Những miệng hố va chạm giống vết sẹo rỗ trong ảnh chụp của tàu Chandrayaan-3. (Ảnh: ISRO)
Thành công này đã giúp Ấn Độ củng cố sức mạnh ngày càng tăng trong lĩnh vực không gian và công nghệ, vươn tới giấc mơ xa hơn, đưa Ấn Độ trở thành quốc gia dẫn đầu trong nền kinh tế vũ trụ toàn cầu.
Ông S. Somanath, Chủ tịch Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ, chia sẻ: "Thành công này mang lại cho chúng tôi sự tự tin trong việc tiến hành các sứ mệnh không chỉ lên mặt trăng mà còn là tới sao Hỏa, có thể là sao Kim, hay các hành tinh, và xa hơn nữa là các tiểu hành tinh trong tương lai".
Trạm đổ bộ Vikram trên tàu vũ trụ Chandrayaan-3 mang theo một robot nhỏ gọi là Pragyan. Bộ đôi chạy bằng năng lượng mặt trời này sẽ thực hiện một loạt thí nghiệm bao gồm phân tích quang phổ về thành phần khoáng chất của bề mặt mặt trăng trong hai tuần nữa.
Được biết, cực Nam mặt trăng là điểm xa nhất về phía Nam trên mặt trăng, nhận được sự quan tâm đặc biệt của giới khoa học bởi sự hiện diện của băng nước ở những khu vực bóng tối vĩnh cửu xung quanh nó. Băng nước có thể được dùng để chiết xuất nhiên liệu, oxy và nước uống, những thứ có thể phục vụ cho sự sống trên mặt trăng trong tương lai.
Bức ảnh đầu tiên về bề mặt mặt trăng đã được tàu vũ trụ trong sứ mệnh Chandrayaan-3 ghi lại, sau khi con tàu hạ cánh thành công vào tối 23/8. Xe tự hành Pragyaan cũng đã rời khỏi tàu đổ bộ và di chuyển trên bề mặt hành tinh này.
Sứ mệnh Chandrayaan đã giúp củng cố vị thế của Ấn Độ như một siêu cường toàn cầu trong lĩnh vực không gian, khi Ấn Độ trở thành quốc gia thứ tư sau Mỹ, Trung Quốc và Liên Xô trước đây đổ bộ lên mặt trăng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!