Ngày 25/8, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam, theo lời mời của Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một nữ lãnh đạo Mỹ gốc Á và gốc Phi đến Việt Nam với thông điệp: Mỹ ủng hộ một nước Việt Nam mạnh, độc lập và thịnh vượng, tiếp tục đổi mới, mở rộng hội nhập quốc tế và đảm nhận vai trò ngày càng quan trọng trong ASEAN và khu vực.
Trong buổi sáng làm việc đầu tiên tại Việt Nam, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đã khẳng định, Hoa Kỳ coi trọng mối quan hệ với Việt Nam, chia sẻ với những khó khăn mà Việt Nam đang phải trải qua do đại dịch COVID-19 và vui mừng thông báo, Mỹ sẽ viện trợ cho Việt Nam thêm 1 triệu liều vaccine phòng COVID-19, dự kiến sẽ đến Việt Nam trong vòng 24h giờ nữa.
Chuyến thăm Việt Nam của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris tập trung vào các chủ đề như: hợp tác chống đại dịch COVID-19, thúc đẩy hợp tác kinh tế và an ninh khu vực. Đây cũng là dịp để người dân Việt Nam hiểu rõ hơn về nữ Phó Tổng thống Kamala Harris - người phụ nữ gắn liền với rất nhiều danh hiệu "đầu tiên" trong lịch sử nước Mỹ.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris tại buổi tiếp sáng 25/8 (Nguồn: TTXVN)
Bà Kamala Harris - cánh tay phải đắc lực của Tổng thống Mỹ Joe Biden
Theo tờ The Washington Post, Phó Tổng thống Kamala Harris đóng một vai trò quan trọng trong việc hoạch định chính sách đối ngoại của nước Mỹ dưới thời chính quyền Tổng thống Joe Biden.
Chỉ trong chưa đầy hai tháng kể từ khi chính quyền mới đi vào hoạt động, bà Harris đã điện đàm riêng với 6 nhà lãnh đạo nước ngoài với mật độ dày hơn nhiều so với các Phó Tổng thống tiền nhiệm khi họ mới nhậm chức.
Hình ảnh của nữ Phó Tổng thống luôn thấy xuất hiện bên cạnh Tổng thống Joe Biden trong những cuộc làm việc. Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa Tổng thống Joe Biden và Thủ tướng Canada Justin Trudeau cũng có sự tham gia của bà. Bà Kamala Harris cũng có bài phát biểu trong chuyến thăm Bộ Ngoại giao Mỹ của ông Joe Biden hồi đầu tháng 2.
Bà Kamala Harris thường xuất hiện cùng Tổng thống Joe Biden trong các cuộc làm việc (Ảnh: whitehouse.gov)
Được nhận định là cánh tay phải đắc lực của Tổng thống Joe Biden, Phó Tổng thống Kamala Harris đã có nhiều đóng góp tích cực trong công cuộc xây dựng chiến lược đối ngoại và an ninh quốc gia. Theo tờ Wall Street Journal, ngay sau khi nhậm chức, Phó Tổng thống Kamala Harris đã cho thấy vai trò chủ chốt của mình trong việc đưa ra các quyết sách quân sự đầu tiên nhằm vào Syria. Trong các cuộc thảo luận, bà luôn đặt ra nhiều câu hỏi nhằm phân tích rõ mọi khía cạnh của vấn đề.
Theo đại diện phía Nhà Trắng, bà Harris đã 2 lần họp cùng Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin và tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng tham mưu liên quân, để đưa ra các quyết sách cho nước Mỹ. Nhiều chuyên gia nhận định, với kiến thức và mối quan hệ gây dựng từ vị trí Phó Tổng thống Hoa Kỳ, bà Harris thậm chí có thể trở thành người kế nhiệm tiềm năng của ông Joe Biden sau nhiệm kỳ đầu tiên.
Chuyến công du Đông Nam Á lần này của bà Kamala Harris cũng đánh dấu sự tham gia của Phó Tổng thống Mỹ với sứ mệnh thắt chặt mối quan hệ hợp tác quan trọng giữa Mỹ - ASEAN nói chung và với Việt Nam nói riêng.
Ông Greg Polling, Giám đốc Tổ chức Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI), Mỹ nhận định: "Hai nước đã nỗ lực không ngừng nghỉ để làm nổi bật mối quan hệ và tập trung vào việc giải quyết di sản chiến tranh còn sót lại. Điều này góp phần củng cố lòng tin, thúc đẩy hai nước tăng cường quan hệ an ninh và kinh tế sâu sắc hơn".
"Tiêm vaccine là hành động cứu người"
Cuối năm ngoái, trong một chương trình phát sóng trực tiếp trên truyền hình, bà Kamala Harris đã được tiêm vaccine COVID-19 của hãng dược Moderna tại bệnh viện công United Medical Center (UMC), một tuần sau khi Tổng thống Joe Biden được tiêm chủng. Hình ảnh này của bà Harris nhằm mục đích khuyến khích tất cả người dân Mỹ đi tiêm chủng để đẩy lùi dịch bệnh.
"Tiêm vaccine là hành động cứu người. Tôi tin tưởng các nhà khoa học đã sản xuất và cấp phép cho vaccine COVID-19" - bà Harris chia sẻ.
Bà Kamala Harris tiêm vaccine COVID-19 trong một chương trình phát sóng trực tiếp trên truyền hình (Nguồn: Reuters)
Trước đó, một loạt quan chức cấp cao của Mỹ cũng đã tiêm vaccine trong các buổi phát sóng trực tiếp trên truyền hình để trấn an dư luận, đồng thời thuyết phục những người còn do dự rằng tiêm chủng đóng vai trò quan trọng giúp nước Mỹ có thể quay trở lại cuộc sống bình thường mới.
Chuyến thăm Việt Nam lần này của bà Harris được kỳ vọng sẽ củng cố thêm cam kết hỗ trợ vaccine của Mỹ với Việt Nam trong nỗ lực ứng phó với dịch bệnh của cả hai quốc gia.
Cho đến nay, thông qua Cơ chế COVAX, Mỹ đã viện trợ cho Việt Nam 5 triệu liều vaccine trong tổng số 23 triệu liều dành cho 20 nước và vùng lãnh thổ châu Á. Và thông báo mới nhất của Phó Tổng thống Kamala Harris về việc viện trợ thêm 1 triệu liều vaccine Pfizer cho Việt Nam sẽ nâng tổng số vaccine Hoa Kỳ viện trợ cho Việt Nam lên 6 triệu liều.
Vào chiều nay (25/8), Phó Tổng thống Kamala Harris đã tham dự lễ khai trương Văn phòng khu vực Đông Nam Á của Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ (CDC) tại Hà Nội, Việt Nam. Đây là một trong bốn văn phòng khu vực của CDC trên toàn thế giới với mục tiêu là hợp tác với các nước trong khu vực (mười thành viên của ASEAN cùng với Papua New Guinea) để thúc đẩy an ninh y tế tại đây.
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris tham dự lễ khai trương Văn phòng khu vực Đông Nam Á của CDC (Ảnh: Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam)
Người phụ nữ làm nên những điều chưa từng có
Bà Kamala Harris mang hai dòng máu Ấn Độ và Jamaica, sinh năm 1964 tại Oakland, California, Mỹ. Bà học chuyên ngành luật, chính trị tại Đại học Howard, Đại học California và Đại học Luật Hastings.
Năm 2003, bà tranh cử cho chiếc ghế Trưởng công tố thành phố San Francisco và đã giành chiến thắng. Bảy năm sau đó, bà trở thành người phụ nữ da màu đầu tiên nắm chức vụ Tổng Chưởng lý bang California tại khu vực đông dân nhất nước Mỹ.
Bà Kamala Harris là phụ nữ gốc Nam Á đầu tiên được bầu vào Thượng viện Mỹ (Nguồn: Reuters)
Năm 2016, trở thành người phụ nữ gốc Phi thứ hai và gốc Nam Á đầu tiên được bầu vào Thượng viện Mỹ, bà Kamala Harris được nhiều người ví như "vết nứt trên trần nhà" - tưởng rằng nhỏ nhưng lại ảnh hưởng sâu sắc tới bộ máy chính trị nước Mỹ. Phá bỏ mọi sự hoài nghi và rào cản trong suốt sự nghiệp làm chính trị, bà Harris - từ một người luôn phải "nghe những lời từ chối" (theo lời bà) - đã trở thành nữ Phó Tổng thống đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ.
Sẽ luôn có những người nghi ngờ. Điều đó không làm tôi ngạc nhiên. Nhưng nếu vượt qua được, chứng tỏ bạn đã chiến thắng
Kalama Harris
Chiến thắng của bà Kalama Harris trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020 đã tạo ra dấu mốc quan trọng, đánh dấu thời khắc 100 năm người phụ nữ giành được quyền đi bầu cử tại Mỹ và 55 năm sau khi Đạo luật Quyền Bầu cử cho phép người da màu được bầu cử.
Bà Mika Brzezinski, phóng viên thuộc kênh truyền hình CNBC từng nhận định: "Sẽ thật thiếu sót nếu nhắc đến chiến thắng của Tổng thống Mỹ Joe Biden mà không đề cập đến một dấu ấn lịch sử khác - thời điểm nước Mỹ chứng kiến nữ Phó Tổng thống đầu tiên".
Bà Harris truyền cảm hứng với khẩu hiệu: Sự nghiệp vì con người - phá bỏ rào cản và đấu tranh cho các gia đình lao động (Ảnh: Reuters)
Theo Tổng thống Singapore Halimah Yacob - nữ Tổng thống đầu tiên của quốc đảo sư tử, chiến thắng của bà Kamala Harris không chỉ nằm ở phạm vi nước Mỹ.
"Sự khiêm nhường đã làm nên thành công ngày hôm nay cho bà Kamala Harris. Bà sẽ tiếp tục truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ phụ nữ trẻ khác trên thế giới" - Tổng thống Singapore Halimah chia sẻ trên trang mạng xã hội Facebook.
Trong bài phát biểu đầu tiên tại thành phố Wilmington sau khi truyền thông Mỹ thông báo ông Joe Biden đắc cử Tổng thống Mỹ, bà Kamala Harris cũng đã nhắc về người mẹ quá cố - một nhà khoa học có tầm ảnh hưởng lớn tới cuộc đời bà.
"Mẹ của Kamala Harris hẳn sẽ rất hạnh phúc. Bà ấy luôn mong Kamala Harris sẽ tiếp tục theo đuổi con đường mà chị ấy từng đi" - cậu ruột bà Harris chia sẻ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!