Hiện tại, theo các thỏa thuận về pháp lý, công dân Anh dù đang sinh sống ở một nước châu Âu có thể nhờ cậy và thực thi theo các phán quyết được tòa án Anh đưa ra, không nhất thiết chỉ có thể tuân theo phán quyết của toà án châu Âu. Quy định này vẫn được sử dụng khá phổ biến lâu nay trong các tranh chấp về dân sự hay tranh chấp thương mại.
Tuy nhiên, mọi thứ có thể trở nên phức tạp hơn sau khi Anh rời liên minh. Tài liệu công bố mới nhất thể hiện quan điểm của Anh vẫn muốn giữ mối liên hệ pháp lý gần nhất có thể so với hiện nay. Chính phủ Anh cho rằng việc này có ý nghĩa quan trọng với người dân, đặc biệt với giới doanh nghiệp của cả hai phía, giúp tránh được các thủ tục rườm rà và trùng lặp nếu có vấn đề pháp lý phát sinh từ quá trình chia tách.
Nội dung giải thích ngắn gọn là Anh hy vọng công dân, doanh nghiệp Anh ở châu Âu vẫn có thể viện đến sự trợ giúp từ tòa án Anh trong tranh chấp và ngược lại, công dân hay doanh nghiệp châu Âu tại Anh cũng vậy.
Tài liệu về việc hợp tác trong xử lý tranh chấp pháp lý được phía Anh đưa ra sau các tài liệu có nội dung liên quan đến liên minh thuế quan tạm thời, biên giới Ireland và trao đổi thương mại sau Brexit. Giới phân tích cho rằng Anh đang đi một mình một đường trong cách đưa ra các tài liệu, nội dung đàm phán.
Qua các đề xuất vừa qua, Anh thể hiện rõ tham vọng muốn châu Âu phải bàn sớm về quan hệ thương mại. Trong khi đó, phía châu Âu cho rằng cách đề cập vấn đề của Anh sẽ chỉ đẩy đàm phán vào bế tắc vì họ hoàn toàn không có ý định bàn vội về những nội dung Anh đưa ra thời gian qua.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!