Một tay súng IS. (Nguồn: Reuters)
Một trong những thách thức an ninh chính mà châu Phi cần tập trung giải quyết là việc các tay súng - công dân các nước Lục địa Đen, từng tham gia các nhóm khủng bố tại Iraq và Syria, trở về nước sau khi chúng thất bại ở cả hai chiến trường này.
Liên minh châu Phi (AU) đã bày tỏ quan ngại trên tại một hội nghị của Trung tâm Nghiên cứu khủng bố châu Phi (ACSRT), diễn ra trong 3 ngày (từ ngày 17/12) tại thủ đô Algiers của Algeria.
Tham dự hội nghị ngoài đại diện các nước thành viên AU còn có đại diện một số tổ chức an ninh quốc tế và khu vực.
AU cho rằng việc các tay súng thánh chiến châu Phi trở về nước có nguy cơ hủy hoại hòa bình và an ninh tại châu Phi vì những đối tượng này có thể thành lập các nhóm khủng bố mới và tiến hành các vụ tấn công khủng bố không chỉ tại các khu vực dễ bị tấn công nhất mà thậm chí ở các địa điểm chưa từng bị đe dọa tấn công khủng bố.
Khoảng 6.000 công dân châu Phi từng cầm súng cho tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tại Iraq và Syria có thể trở về nước sau khi IS thất bại tại cả hai chiến trường này.
Ủy viên AU phụ trách vấn đề hòa bình và an ninh Smail Chergui kêu gọi các quốc gia châu Phi cần phải hợp tác chặt chẽ nhằm đối phó với mối đe dọa nghiêm trọng này.
Ông Chergui nhấn mạnh cộng đồng quốc tế cũng cần giúp châu Phi đối phó với thách thức khủng bố như từng giúp Iraq và Syria chống IS.
Các chuyên gia nghiên cứu khủng bố Mỹ mới đây cũng đã đưa ra cảnh báo tương tự, cho rằng làn sóng các tay súng IS hồi hương sau thất bại tại Iraq và Syria có nguy cơ tạo ra mối đe dọa đối với châu Âu và Mỹ.
Ngoài ra, chính phủ các nước cũng cần đặc biệt cảnh giác với "mầm họa khủng bố" trực tiếp ngay trong nước, đó là những người đang sinh sống tại chính các quốc gia châu Âu và Mỹ bị tiêm nhiễm tư tưởng cực đoan.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!