Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Australia, bà Clare O'Neil, Bộ này sẽ tiến hành điều chỉnh nhân sự theo hướng ưu tiên giải quyết các đơn xin thị thực của những lao động nước ngoài lành nghề, bao gồm giáo viên, nhân viên y tế và nhân viên chăm sóc người cao tuổi.
Đại dịch COVID-19 buộc Australia phải đóng cửa biên giới trong gần 2 năm qua, theo đó các lao động nước ngoài có tay nghề cao không thể đến nước này, dẫn đến tồn đọng đáng kể các đơn xin thị thực chưa được giải quyết. Hơn 600.000 người có thị thực ngắn hạn đã rời Australia trong khi biên giới bị đóng cửa, gây ra tình trạng thiếu nhân sự trong các ngành y tế, xây dựng và khách sạn.
Theo Bộ trưởng O'Neil, hiện có 961.016 người nộp đơn xin thị thực đang chờ quyết định từ Bộ Nội vụ Australia. Trong số này, 57.906 trường hợp là lao động lành nghề, bao gồm giáo viên, nhân viên y tế và nhân viên chăm sóc người cao tuổi sẽ được ưu tiên đánh giá.
Tình trạng thiếu lao động lành nghề của Australia đang trở nên ngày càng nguy cấp hơn. (Ảnh: ABC News)
Các tổ chức công đoàn tại Australia đã hoan nghênh quyết định trên của Chính phủ, coi đây là một "giải pháp hợp lý" để giải quyết tình trạng thiếu lao động hiện nay tại "xứ sở chuột túi".
Trước đó, vào ngày 8/6, Bộ trưởng Bộ Di trú Australia Andrew Giles đã yêu cầu Bộ Nội vụ nước này đẩy nhanh quá trình cấp thị thực (visa) cho người lao động nước ngoài, giữa bối cảnh hàng nghìn đơn xin thị thực vào Australia đang bị tồn đọng, trong khi các doanh nghiệp nội địa lại lâm vào tình trạng thiếu hụt nhân công lành nghề.
Tình trạng thiếu lao động lành nghề của Australia đang trở nên ngày càng nguy cấp hơn, đặc biệt từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, khiến biên giới các quốc gia buộc phải đóng cửa, gây ra tình trạng gián đoạn dịch chuyển lao động quốc tế. Tuy nhiên, kể từ đầu năm nay, ngay cả khi Australia đã mở cửa trở lại với thế giới, lượng lao động nước ngoài nhập cảnh vào nước này vẫn rất “ít ỏi”. So với một thập kỷ trước, số lao động lành nghề nước ngoài hiện có tại Australia đã suy giảm một nửa.
Nguyên nhân được cho là do quá trình xử lý chậm, dẫn đến tình trạng tồn đọng “bất thường” của các đơn xin cấp thị thực vào Australia. Các chuyên gia cảnh báo đang có "sự tắc nghẽn" trong hệ thống xét duyệt thị thực và các quan chức liên bang Australia đã được yêu cầu phải nỗ lực đẩy nhanh công tác xử lý vấn đề này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!