Cao ủy Pháp hôm 20/5 cho biết rằng 1.000 cảnh sát đã được điều động đến New Caledonia từ Pháp và các cuộc đụng độ trên đường phố đã lắng xuống.
Thủ tướng Australia Anthony Albanese cho biết "tình hình bạo loạn tại New Caledonia rất đáng lo ngại" vì đường sá bị hư hại và các cuộc phong tỏa đã ngăn cản việc tiếp cận sân bay trên lãnh thổ hải ngoại này - nơi đã chứng kiến các cuộc bạo loạn chết người trong tuần qua.
Quan chức hàng đầu của Pháp tại vùng lãnh thổ - Louis Le Franc - thông tin vào tối 19/5 hoạt động của cảnh sát nhằm giành lại quyền kiểm soát con đường từ thủ đô Noumea đến sân bay quốc tế sẽ mất vài ngày. Hiến binh Pháp đã tháo dỡ 76 chốt chặn trên đường.
Sau một đêm xảy ra đốt phá và cướp bóc, Thủ tướng Albanese nói với đài phát thanh ABC rằng Australia đã xin phép chính quyền Pháp trong hai ngày để gửi một chuyến bay sơ tán đến New Caledonia để đón khách du lịch bị mắc kẹt trong khách sạn.
Khoảng 300 công dân Australia đã đăng ký với các quan chức lãnh sự trên lãnh thổ hải ngoại của Pháp - nằm ở phía Tây Nam Thái Bình Dương, cách Australia khoảng 1.500 km về phía Đông.
Chính quyền địa phương xác nhận có khoảng 3.200 người bị mắc kẹt chờ xuất cảnh hoặc nhập cảnh ở New Caledonia vì các chuyến bay thương mại đã bị hủy do tình trạng bạo loạn, bất ổn nổ ra vào tuần trước.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao New Zealand Winston Peters cho biết máy bay quốc phòng New Zealand cũng đã sẵn sàng để đưa công dân New Zealand về nước.
"Chúng tôi đã sẵn sàng bay và đang chờ chính quyền Pháp phê duyệt khi nào các chuyến bay của chúng tôi an toàn để tiếp tục bay" - ông Winston Peters viết trên nền mạng xã hội X vào ngày 19/5.
Các cuộc biểu tình đã nổ ra vào tuần trước khi người dân Kanak bản địa tức giận và phản đối về một sửa đổi hiến pháp do Pháp phê duyệt, theo đó sẽ mở rộng phạm vi những người được phép tham gia bầu cử ở New Caledonia - điều mà các nhà lãnh đạo địa phương lo ngại sẽ "làm loãng" cuộc bỏ phiếu của người Kanak.
Sáu người đã thiệt mạng và tình trạng bất ổn đã khiến nhiều cơ sở kinh doanh bị đốt cháy, ô tô bị thiêu rụi, cửa hàng bị cướp phá và rào chắn trên đường, cắt đứt khả năng tiếp cận thuốc men và thực phẩm.
Ba trong số những người thiệt mạng là người Kanak bản địa và hai người là cảnh sát. Cảnh sát Pháp cho biết, người thứ sáu đã thiệt mạng và hai người bị thương nặng hôm 18/5 trong cuộc đấu súng giữa hai nhóm tại một chốt chặn đường ở Kaala-Gomen.
Dominique Fochi - Tổng Thư ký của phong trào độc lập hàng đầu tại vùng lãnh thổ này - kêu gọi bình tĩnh nhưng cho biết chính phủ phải đình chỉ việc thay đổi hiến pháp.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!