Bán đảo Triều Tiên căng thẳng, các bên liên tiếp có các động thái khiêu khích, đáp trả lẫn nhau

Thế giới hôm nay-Thứ tư, ngày 16/08/2023 06:00 GMT+7

VTV.vn - Mỹ, Hàn Quốc gia tăng các cuộc tập trận, trong khi Triều Tiên củng cố năng lực hạt nhân, chuẩn bị sẵn sàng cho một tình huống chiến tranh.

Các động thái cho thấy sóng gió đang chực chờ bùng phát trở lại tại khu vực luôn là điểm nóng toàn cầu này.

Hàn Quốc và Mỹ hôm qua thông báo sẽ tổ chức cuộc tập trận quy mô lớn nhất từ trước đến nay mang tên Lá chắn Tự do Ulchi vào cuối tháng 8. Cuộc tập trận dự kiến sẽ diễn ra trong 4 ngày (từ 21 đến 24/8), bao gồm một loạt hoạt động diễn tập các tình huống giả định cụ thể, theo mô hình chiến tranh toàn diện. Trước đó, trong năm 2023, Mỹ và Hàn Quốc đã liên tiếp tiến hành các cuộc tập trận song phương, đa phương khác nhau tại khu vực, với mục đích mà theo phía Mỹ và Hàn Quốc là tăng cường khả năng hợp tác chiến đấu, ứng phó với các thách thức trong tương lai.

Phản ứng trước kế hoạch tập trận này, Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cũng đã kêu gọi nhanh chóng cải thiện năng lực sản xuất tên lửa nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của tiền tuyến và các đơn vị tên lửa. Triều Tiên cũng lên tiếng chỉ trích cuộc tập trận này là sự tập dượt cho chiến tranh hạt nhân.

Bán đảo Triều Tiên căng thẳng, các bên liên tiếp có các động thái khiêu khích, đáp trả lẫn nhau - Ảnh 1.

Trước đó, trong cuộc họp của Quân ủy Trung ương đảng Lao động Triều Tiên hôm 9/8, ông Kim Jong-un cũng đã kêu gọi chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh có thể xảy ra. Triều Tiên cũng đã và đang đẩy mạnh phát triển vũ khí chiến lược bao gồm tên lửa đạn đạo tầm xa và máy bay không người lái, đồng thời phô diễn các tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân mới nhất cũng như máy bay không người lái tấn công và do thám tại cuộc duyệt binh lớn vào cuối tháng 7 vừa qua.

Cục diện an ninh khu vực Đông Bắc Á

Nhìn lại tình hình bán đảo Triều Tiên, từ đầu năm tới nay, Triều Tiên đã tiến hành khoảng 12 vụ phóng tên lửa, từ tên lửa tầm ngắn đến tên lửa đạn đạo xuyên lục địa thế hệ mới. Trong khi đó, Mỹ và Hàn Quốc liên tiếp tiến hành các cuộc tập trận từ tháng ba. Mới nhất, vào tháng 7, Mỹ cũng lần đầu tiên sau hơn 40 năm điều tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo tới Hàn Quốc.

Để đáp lại, Triều Tiên cảnh báo việc triển khai tàu sân bay, máy bay ném bom hay tàu ngầm tên lửa của Mỹ ở Hàn Quốc có thể đáp ứng tiêu chí sử dụng vũ khí hạt nhân. Căng thẳng còn được đẩy lên cao hơn khi các bên tập hợp lực lượng, có nguy cơ ảnh hưởng rộng hơn đến an ninh khu vực với việc gia tăng đối đầu nước lớn.

Bán đảo Triều Tiên căng thẳng, các bên liên tiếp có các động thái khiêu khích, đáp trả lẫn nhau - Ảnh 2.

Tờ First Post cho biết, sự cạnh tranh giữa các cường quốc tại khu vực bán đảo Triều Tiền đã gia tăng trong thời gian gần đây do sự khiêu khích của các bên. Hàn Quốc đẩy mạnh ký kết các thỏa thuận mới với Mỹ, bao gồm cả cam kết triển khai tàu ngầm vũ trang hạt nhân ở Hàn Quốc lần đầu tiên kể từ năm 1980. Trong khi Triều Tiên cũng tăng cường các hoạt động hợp tác với Trung Quốc, Nga.

Cùng chung nhận định, tờ Thời báo Hoàn cầu cho rằng với việc Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc tăng cường liên kết quân sự, căng thẳng đang gia tăng ở Đông Bắc Á, đồng thời có thể thúc đẩy các cường quốc khu vực như Trung Quốc, Nga tăng cường hợp tác.

Bà Hoo Chiew Ping - Giảng viên cao cấp về nghiên cứu chiến lược và quan hệ quốc tế, Đại học Quốc gia Malaysia phân tích: Tôi nghĩ rằng căng thẳng gia tăng trên bán đảo Triều Tiên ảnh hưởng đến căng thẳng khác trong khu vực, đặc biệt là tình hình eo biển Đài Loan (Trung Quốc). Vì vậy, xét đến cách mà Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản hiện đang hợp tác khá chặt chẽ, cùng nhau hành động thì tình hình không còn chỉ giới hạn ở bán đảo Triều Tiên hay eo biển Đài Loan (Trung Quốc), mà còn có thể tác động cả đến vấn đề Biển Đông. Các bên, nhất là các bên liên quan chính trên bán đảo Triều Tiên cần phối hợp với nhau để quản lý tình hình.

Bán đảo Triều Tiên căng thẳng, các bên liên tiếp có các động thái khiêu khích, đáp trả lẫn nhau - Ảnh 3.

Trong những năm gần đây, đặc biệt là sau khi đại dịch toàn cầu bùng phát, không có đối thoại, liên hệ nào giữa Triều Tiên với Hàn Quốc và với Mỹ. Vì vậy, những gì chúng ta có thể mong đợi là nếu Triều Tiên sẵn sàng thì sẽ có điểm khởi đầu cho đối thoại, nhưng nếu họ từ chối cách tiếp cận của Hàn Quốc chẳng hạn, điều đó có nghĩa là tiến trình hòa bình không thể được nối lại. Còn đối với Mỹ, do những hành động gần đây của họ như cố gắng thảo luận về tình hình nhân quyền tại Triều Tiên tại Liên hợp quốc, điều này có nghĩa là rất khó có khả năng Triều Tiên sẵn sàng đối thoại, hợp tác hơn nữa với Mỹ.

Vai trò của các quốc gia tầm trung

Bà Hoo Chiew Ping cho rằng, các nước Đông Nam Á và ASEAN có thể đóng vai trò bên thứ ba trong việc cung cấp nền tảng bên thứ ba cho các bên xung đột lớn khác, đặc biệt là trong tình hình bán đảo Triều Tiên như Singapore và Việt Nam đã thực hiện vào năm 2018 và 2019, để cố gắng cung cấp một nền tảng cho một tiến trình hòa bình giữa Mỹ và Triều Tiên. Tôi tin rằng nếu các bên liên quan chính vẫn tin tưởng vào các nước Đông Nam Á và ASEAN, chúng ta vẫn có thể, một lần nữa, cung cấp sự hỗ trợ nhất quán và nền tảng mà các bên cần để tiếp tục tạo ra sự đồng thuận và thúc đẩy tiến triển.

Căng thẳng gia tăng trên bán đảo Triều Tiên cùng với tiến trình đối thoại hòa bình Nga - Ukraine chưa có tiến triển đẩy thế giới vào cục diện phân cực hơn, trong khi tình hình kinh tế toàn cầu thêm phân mảnh. Trong bối cảnh đó, các chuyên gia kêu gọi các bên liên quan tiếp tục tiến trình ổn định chính trị, giải quyết các xung đột bằng đối thoại hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế, vì hòa bình, ổn định trên toàn cầu.

Hàn Quốc - Mỹ tập trận bắn đạn thật, bán đảo Triều Tiên lại nóng Hàn Quốc - Mỹ tập trận bắn đạn thật, bán đảo Triều Tiên lại nóng

VTV.vn - Căng thẳng tiếp tục gia tăng trên bán đảo Triều Tiên khi ngày 15/6 Hàn Quốc và Mỹ tiến hành cuộc tập trận bắn đạn thật với quy mô lớn chưa từng có.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước