Vụ phóng tên lửa mới nhất của Bình Nhưỡng vào sáng 12/3 diễn ra trong bối cảnh Mỹ và Hàn Quốc đang chuẩn bị cho cuộc tập trận với quy mô lớn mang tên Lá chắn Tự do kéo dài 11 ngày. Cuộc tập trận này được tiến hành song song với cuộc diễn tập quy mô lớn mang tên Lá chắn Chiến binh.
Triều Tiên nhiều lần phóng tên lửa, các đồng minh Mỹ - Hàn Quốc liên tiếp tổ chức tập trận chung. Kịch bản "ăn miếng trả miếng" này không phải là điều bất ngờ trên bán đảo Triều Tiên, nhưng đáng lo ngại là tần suất đang gia tăng trong năm 2023.
Tuần trước, hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) dẫn lời bà Kim Yo Jong, em gái Nhà lãnh đạo Kim Jong-un tuyên bố, Triều Tiên đang theo dõi sát các động thái quân sự không ngừng nghỉ của quân đội Mỹ - Hàn và sẵn sàng thực hiện hành động thích hợp, nhanh chóng và mạnh mẽ bất cứ lúc nào. Tuyên bố được đưa ra sau khi Mỹ điều máy bay ném bom B52 có khả năng mang đầu đạn hạt nhân tới Bán đảo Triều Tiên để tham gia cuộc tập trận chung với máy bay chiến đấu của Hàn Quốc.
Trong khi đó, tại Hội nghị mở rộng lần thứ 5 của Quân ủy Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên khóa 8 dưới sự chủ trì của Nhà lãnh đạo Kim Jong-un, Triều Tiên đã quyết định triển khai những biện pháp răn đe chiến tranh quan trọng và thực chất nhằm ứng phó với tình hình hiện nay. Nước này đồng thời cảnh báo các hành động khiêu khích chiến tranh của Mỹ và Hàn Quốc đang tiến tới lằn ranh đỏ.
Triển vọng hòa bình trên bán đảo Triều Tiên còn khá xa vời
Các nhà quan sát trong khu vực cho rằng, bán đảo Triều Tiên đang bước vào một chu kỳ căng thẳng mới với việc Mỹ - Hàn - Nhật tăng cường các cuộc tập trận, trong khi Triều Tiên cũng có một loạt hoạt động thử nghiệm phát triển vũ khí, bao gồm phóng thử tên lửa và có khả năng thử hạt nhân. Hoạt động quân sự cũng như động thái cứng rắn của các bên liên quan khiến dư luận khu vực quan ngại về nguy cơ khả năng dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang quy mô lớn, đặt nền an ninh khu vực này trước những rủi ro về xung đột.
Trong thời điểm này, nếu xảy ra xung đột tại bán đảo Triều Tiên thì không chỉ tác động tiêu cực đến hòa bình khu vực mà còn là một đòn chí mạng tác động đến an ninh toàn cầu.
Giới quan sát kêu gọi Mỹ cùng các đồng minh và Triều Tiên cần sớm mở ra các cuộc đàm phán tương tự như hai hội nghị thượng đỉnh năm 2018 và 2019 để căng thẳng không đi quá xa. Tuy nhiên, Rào cản lớn nhất giữa các bên hiện nay chính là thiếu lòng tin, Mỹ và các đồng minh kiên quyết yêu cầu Triều Tiên có động thái phi hạt nhân hóa rõ ràng để tiến hành đàm phán và dỡ bỏ cấm vận, nhưng Triều Tiên luôn xem chương trình hạt nhân - tên lửa là yếu tố sống còn để bảo vệ lợi ích quốc gia và coi các cuộc tập trận chung quân sự của Mỹ và các nước đồng minh trong khu vực là thái độ thù địch. Thực tế này chưa bao giờ thay đổi trong nhiều thập kỷ qua. Vì vậy, triển vọng hòa bình trên bán đảo Triều Tiên sẽ còn khá xa vời.
Liệu có nguy cơ chạy đua vũ khí hạt nhân?
Trên thực tế, căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên liên tục leo thang xuất phát từ những động thái quân sự của cả hai phía, cộng thêm tiến trình phi hạt nhân hóa đã bế tắc, nguội lạnh trong một thời gian dài. Chưa kể, Thị trưởng thủ đô Seoul hồi đầu tháng này đề xuất việc Hàn Quốc phát triển hạt nhân để đối trọng với Triều Tiên.
"Thời báo Nhật Bản" (Japantimes) có bài viết nhận định về phát biểu của Tổng thống Hàn Quốc rằng, nếu mối đe dọa hạt nhân của Triều Tiên gia tăng, nước này sẽ xem xét chế tạo vũ khí hạt nhân của riêng mình hoặc yêu cầu Mỹ triển khai lại chúng trên Bán đảo Triều Tiên.
Bài viết trích dẫn nhận định của chuyên gia cho rằng, phát biểu của Tổng thống Yoon có thể trở thành một bước ngoặt trong lịch sử an ninh quốc gia của Hàn Quốc. Nó có thể thay đổi mô hình của Seoul trong cách đối phó với mối đe dọa hạt nhân của Triều Tiên.
Trong dư luận Hàn Quốc, một cuộc thăm dò cuối tháng 1 cho thấy, có tới 76% số người được hỏi ủng hộ Tổng thống, cho rằng nước này cần phát triển vũ khí hạt nhân của riêng mình. Diễn biến này càng gây thêm lo ngại.
Tờ Financial Times bình luận, Mỹ phản đối mạnh mẽ việc Hàn Quốc có được một lực lượng răn đe hạt nhân độc lập, điều mà họ lo ngại có thể châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực, gây tổn hại không thể khắc phục đối với các nỗ lực không phổ biến vũ khí hạt nhân toàn cầu.
Thay vào đó, Washington đang tìm cách trấn an Seoul về cam kết bảo vệ Hàn Quốc. Trong những tháng gần đây, Mỹ đã triển khai các máy bay chiến đấu và máy bay ném bom có khả năng mang vũ khí hạt nhân tới bán đảo Triều Tiên.
CNN có bài viết với tiêu đề "Vì sao chạy đua vũ trang ở châu Á có nguy cơ vượt khỏi tầm kiểm soát". Tờ báo đề cập đến 1 báo cáo cho biết kế hoạch của Triều Tiên chế tạo 300 vũ khí hạt nhân trong những năm tới, tức là gấp nhiều lần so với năm 2022, khi viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm ước tính, Bình Nhưỡng sở hữu 20 vũ khí hạt nhân đã lắp ráp.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đang kêu gọi "tăng cấp số nhân" kho vũ khí hạt nhân của nước này, bắt đầu từ năm 2023, và đang xây dựng một hạm đội bệ phóng tên lửa di động "siêu lớn" có thể tấn công bất kỳ địa điểm nào ở miền Nam bằng đầu đạn hạt nhân.
Viễn cảnh Bán đảo Triều Tiên có nhiều vũ khí hạt nhân hơn là điều mà các nhà lãnh đạo Mỹ hết sức cảnh giác - ngay cả khi những vũ khí đó thuộc về một đồng minh.
Tuy nhiên, các chuyên gia dự đoán ít khả năng Tổng thống Hàn Quốc sẽ triển khai kế hoạch sở hữu vũ khí hạt nhân tự chế tạo trong tương lai gần. Vì các quốc gia trong khu vực đều không muốn tham gia vào một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân. Mặt khác, những thay đổi trong quan điểm của Seoul đang cho thấy áp lực đối với Mỹ và các đồng minh, cần mở rộng sự can dự và đảm bảo quốc phòng trong khu vực.
Còn cục diện giảm căng thẳng chung trên bán đảo Triều Tiên, có lẽ vẫn cần tìm tới các giải pháp ngoại giao mới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!