Từ năm 2016, bà Joy Klineberg là cư dân thành phố Davis, bang California, Mỹ tham gia chương trình thí điểm tái chế thực phẩm dư thừa và phụ phẩm từ quá trình nấu ăn hàng ngày với chỉ một hành động nhỏ, đó là để riêng chúng ra. Bà cho biết: "Nó rất là đơn giản, sự thay đổi duy nhất là nơi bạn bỏ chúng vào, chỉ là một cái thùng khác. Tôi đánh giá cao sáng kiến này bởi chúng ta có thể tạo nên sự thay đổi mà không thực sự ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày".
Thực phẩm dư thừa và phụ phẩm từ quá trình chế biến thức ăn sau đó được thu gom về và xử lý thành phân bón hữu cơ hay năng lượng thông qua quá trình phân hủy yếm khí. Các sản phẩm này có thể được bán hoặc phát miễn phí cho nông dân địa phương.
Ông Ned Spang - Điều phối viên chương trình Xử lý thực phẩm dư thừa, Đại học UC Davis, bang California, Mỹ nói: "Đạo luật 1383 thông qua năm 2016 nhằm giảm thiểu lượng khí metan và các chất gây ô nhiễm môi trường khác. Khí metan phát tán khi chúng ta chôn lấp rác thải hữu cơ. Đáng chú ý có một lượng lớn rác hữu cơ đem chôn lấp thực ra là thực phẩm dư thừa".
Theo Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ, có tới 40% lượng thực phẩm tiêu thụ trong nước này bị đổ đi do dư thừa. Khi chôn lấp, chúng tạo ra khoảng 15% lượng khí metan phát thải ra trên toàn nước Mỹ. Hiện bang California đặt mục tiêu tái chế được 75% lượng thực phẩm dư thừa và phụ phẩm từ quá trình chế biến thức ăn hàng ngày ở bang này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!