Bằng cấp không đảm bảo việc làm ở Ấn Độ

Chuyển động 24h-Thứ năm, ngày 27/04/2023 11:50 GMT+7

VTV.vn - Người Ấn Độ "thống trị" vị trí CEO công nghệ toàn cầu, song một nửa số sinh viên tốt nghiệp lại được dự báo sẽ không xin được việc làm.


Bằng cấp không đi kèm với chất lượng đào tạo

Ấn Độ hiện được chú ý đặc biệt khi quốc gia Nam Á này sẽ trở thành nước đông dân nhất thế giới. Theo dự báo của Liên hợp quốc, dân số Ấn Độ sẽ vượt Trung Quốc vào cuối tháng này và quy mô dân số sẽ rất trẻ. Cụ thể số người dưới 25 tuổi sẽ chiếm tới 42,7% dân số. Vậy là áp lực sẽ ngày càng lớn với Ấn Độ: Làm sao để đảm bảo cuộc sống trong một đất nước hơn 1,42 tỷ dân, qquan trọng hơn là tương lai sinh kế và việc làm cho gần một nửa dân số trẻ dưới 25 tuổi. Thế nhưng số liệu thống kê mới nhất lại cho thấy tỷ lệ thất nghiệp ở Ấn Độ trong tháng 3 đã tăng lên 7,8%.

Nguyên nhân được một bài báo của Bloomberg đăng giữa tháng này chỉ ra, đó là chất lượng giáo dục. Theo bài báo này, các bằng cấp không đi kèm với chất lượng đào tạo đang tạo ra một thế hệ sinh viên tốt nghiệp ra trường không xin được việc làm ở Ấn Độ.

Theo Bloomberg, ngành kinh doanh giáo dục đang bùng nổ ở Ấn Độ, trị giá 117 tỷ USD. Các trường đại học mới liên tiếp ra đời, nhưng hàng nghìn thanh niên Ấn Độ vẫn ra trường với trình độ có hạn, không đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế đang có những phát triển mang tính bước ngoặt.

Ấn Độ được dự báo sẽ vượt Nhật Bản và Đức trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới vào năm 2030, tuy nhiên Ấn Độ đang rơi vào nghịch lý, các viện công nghệ và quản lý hàng đầu của Ấn Độ đã và đang đào tạo cho xã hội những nhà lãnh đạo ở cấp độ toàn cầu. Ông Sundar Pichai - giám đốc điều hành của cả công ty mẹ Alphabet và công ty con Google, cũng như ông Satya Nadella - Chủ tịch và giám đốc điều hành của Microsoft - là những ví dụ nổi bật nhất.

Bằng cấp không đảm bảo việc làm ở Ấn Độ - Ảnh 2.

Nhưng ở phía cực kia của đào tạo đại học ở Ấn Độ là hàng nghìn trường đại học tư nhân nhỏ không chính quy, có vấn đề về năng lực đào tạo của giáo viên và chất lượng của giáo trình, thiếu tính thực tế và khả năng đảm bảo việc làm, theo phỏng vấn của Bloomberg với hàng chục sinh viên và chuyên gia Ấn Độ.

Theo nghiên cứu của công ty đánh giá nhân lực Wheebox, một nửa số sinh viên tốt nghiệp ra trường ở Ấn Độ sẽ không xin được việc làm do các vấn đề của hệ thống giáo dục. Có những doanh nghiệp Ấn Độ cho hay, họ khó tuyển được người vì chất lượng đào tạo mà sinh viên nhận được ở trường.

Ông Yeshwinder Patial - Giám đốc nhân sự, công ty sản xuất ô tô MG Motor India cho biết: "Chúng tôi thực sự gặp khó khi tuyển dụng vì một số kỹ năng cụ thể cần thiết cho ngành của chúng tôi thì thị trường nhân lực hiện tại lại không dễ có".

Trong khi đó, công cuộc tìm kiếm việc làm vẫn là thách thức đối với nhiều thanh niên Ấn Độ hiện nay, khi mà theo Ngân hàng Thế giới, gần 1/3 người trẻ Ấn Độ đang không làm việc, không học hành hay được đào tạo.

Các cơ sở đào tạo phát triển quá nóng

Thực tế thì Ấn Độ vẫn đang là nơi sản sinh ra một lực lượng lớn tri thức và lao động tay nghề cao cho thế giới, chẳng hạn như trong khối các nước thuộc Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế OECD, cộng đồng người Ấn Độ có khoảng 120 triệu người, khoảng 35% trong số đó là những trí thức, chuyên gia uy tín trong xã hội sở tại. Hay như tại các nước Vùng Vịnh giàu dầu mỏ, nếu tìm hiểu thì sẽ thấy nhiều ngành nghề quan trọng hiện cũng đang sử dụng chuyên gia Ấn Độ làm cố vấn, hay thậm chí là giám đốc điều hành.

Bằng cấp không đảm bảo việc làm ở Ấn Độ - Ảnh 3.

Song đúng là đang có một sự phát triển quá nóng các cơ sở đào tạo tại Ấn Độ. Điều này bắt nguồn từ thực tế Ấn Độ nay không chỉ sắp thành quốc gia đông dân nhất thế giới với hơn 1,42 tỷ người, nước này còn là một trong những quốc gia có dân số trẻ nhất thế giới. Tuổi bình quân của dân số Ấn Độ hiện nay chỉ là 28, nhu cầu giáo dục vì vậy là rất lớn. Mà cái gì phát triển nóng thì khó hay ẩn chứa nhiều vấn đề. Đã vậy như nhiều quốc đang phát triển khác, tâm lý trọng bằng cấp vẫn rất phổ biến ở quốc gia này.

Tại Ấn Độ, tới một nửa dân số hiện nay ở độ tuổi dưới 30; 2/3 dân số trong độ tuổi từ 15-64. Người ta tính toán rằng để giữ tỷ lệ thất nghiệp của nền kinh tế Ấn Độ ở mức lành mạnh thì từ nay đến năm 2030 phải tạo ra tới 90 triệu việc làm mới, tức là bình quân phải có gần 13 triệu việc làm mới mỗi năm. Vậy nên tình trạng thất nghiệp của các sinh viên ra trường tại Ấn Độ, có thể thấy bắt nguồn từ nhiều yếu tố, không chỉ do chất lượng giáo dục. Nhưng có một vấn đề đang được nói nhiều tới tại Ấn Độ, đó là quy trình quản lý chất lượng giáo dục.

Sự phát triển nóng các tổ chức giáo dục tại Ấn Độ có thể bắt nguồn từ nhu cầu của lượng lớn dân số trẻ tại nước này. Nhưng người Ấn Độ thì đang ngày càng nhận ra, với những lĩnh vực có liên quan mật thiết tới con người, như y tế, giáo dục... thì dù phát triển nóng như thế nào, chất lượng là điều không thể phớt lờ. Nhiều ngôi trường được mở ra mang danh liên kết quốc tế, quảng bá mỹ miều, nhưng rồi tất cả chỉ là sự thêu dệt. Với giáo dục, việc đánh giá thường phải qua một quá trình, vì thế lại càng tạo mảnh đất cho sự lừa đảo. Hiện tại Ấn Độ, việc quản lý chất lượng giáo dục vẫn chưa có một đầu mối tập trung, trách nhiệm nhiều khi không biết thuộc về ai. Dư luận Ấn Độ đang kêu gọi giới chức nơi đây khẩn trương khắc phục tình trạng này.

Giấc mơ đổi đời của hàng triệu thanh niên Ấn Độ

Vẻ ngoài gày gò cùng cặp ria mép, ít ai đoán được chàng thành niên Sujeet Kumar mới 21 tuổi. Vội vã nén ít cơm trắng và chiếc chăn cũ bỏ vào túi, Kumar - sinh viên cao đẳng thất nghiệp đang gói gém mọi hy vọng rời quê lên phố tìm kiếm cơ hội sống tốt hơn. "Mumbai là thành phố của những người giàu có, bất cứ ai đến Mumbai, vận may của họ sẽ thay đổi. Tôi hy vọng may mắn cũng mỉm cười với mình ở đó".

Bằng cấp không đảm bảo việc làm ở Ấn Độ - Ảnh 4.

Trời vừa chập tối, Kumar bắt đầu hành trình của mình. Ở vùng quê nghèo này, ngoài làm nông và chăn nuôi, cơ hội tìm việc làm là rất ít. Dù đã lên Mumbai vài lần, nhưng lần rời quê này thật khác. "Trong lòng tôi lúc này có rất nhiều lo lắng, tôi không muốn đi nhưng hoàn cảnh chả thể khác được, chẳng biết lúc nào quay lại nữa, cảm giác lúc này thật khó tả".

Kumar chỉ là một trong hàng triệu thanh niên Ấn Độ di cư tới các thành phố lớn mỗi năm để tìm việc. Sau hơn 24 giờ ngồi tàu, cuối cùng Kumar cũng đã đến được trung tâm tài chính lớn nhất Ấn Độ - Mumbai. Theo chính quyền thành phố này, dòng người di cư ồ ạt đã kéo theo tình trạng mọc lên như nấm của các khu ổ chuột, tạo áp lực về hạ tầng cho một trong những thành phố có mật độ dân đông nhất thế giới. Cuộc chiến giành việc thì vô cùng khốc liệt.

May mắn thay cho Kumar, anh sẽ làm việc ở ngay một xưởng sản xuất kẹo cao su của anh rể ở ngoại ô Mumbai. Song ngoài kia, một nửa dân số Ấn Độ hiện nay là dưới 30 tuổi. Do vậy nếu không có đủ việc làm ở nông thôn thì làn sóng lao động di cư sẽ là bài toán dai dẳng.

Bà Poonam Muttreja - Giám đốc Quỹ Dân số Ấn Độ cho rằng: "Lời giải cấp thiết là xây dựng cơ hạ tầng tại nông thôn. Điện, đường, trường, trạm phải đi trước, tiếp đó là các chính sách hỗ trợ tạo việc làm. Đô thị hóa nông thôn sẽ giúp các khu vực này trở thành những cụm công nghiệp".

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, 40% dân số Ấn Độ sẽ sống ở các đô thị lớn vào năm 2036, áp lực sẽ càng lớn khi dân số đang bùng nổ. Kumar đang dần cảm nhận được sự phồn hoa chốn Mumbai, anh thay sang kiểu tóc mới và mang thêm cặp kính râm và quay nhiều video để đăng lên tài khoản mạng xã hội của mình.

Hiện tại chính phủ của Thủ tướng Ấn Độ Modi đang nỗ lực để giải quyết các bất cập trong lĩnh vực giáo dục. Trong chính sách giáo dục mới, chính phủ cam kết cải thiện chất lượng của các cơ sở giáo dục. Chính phủ cũng đã bắt đầu cho phép các trường đại học hàng đầu nước ngoài mở chi nhánh và cấp bằng tại Ấn Độ. Việc chấn chỉnh lại những trường đại học chỉ tồn tại trên danh nghĩa nhằm kiếm tiền cũng sẽ được đẩy mạnh, với nhiều chế tài khác nhau.

Mối nguy đối với các thai phụ làm việc trong những vườn chè ở Ấn Độ Mối nguy đối với các thai phụ làm việc trong những vườn chè ở Ấn Độ

VTV.vn - Môi trường làm việc vất vả ở các vườn chè tại Ấn Độ đang là nguyên nhân chính khiến sức khỏe thai sản ở đây đáng báo động.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước