Bệnh nhân mắc bệnh hồng cầu hình liềm Poonam Gond mô tả cơn đau của mình bằng các con số. Số 0 có nghĩa là không đau và 10 là rất đau. Cơn đau của cô đến cuối tháng 3 là ở mức 7, buộc cô gái phải ngồi một chỗ nhiều nhất có thể. Thuốc điều trị đã hết từ nhiều tuần trước.
Chị Poonam Gond, bệnh nhân ở bang Chattisgarh, Ấn Độ, nói: "Tôi không thể đi bộ mà không vịn vào đâu đấy. Tôi luôn đau đớn".
Hàng trăm triệu người ở nông thôn Ấn Độ đang không được chăm sóc y tế cơ bản vì một lý do đơn giản: đất nước không có đủ cơ sở y tế.
Dân số Ấn Độ đã tăng gấp 4 lần kể từ năm 1947, và hệ thống y tế vốn đã mỏng manh nay đã lại càng phải căng mình phục vụ dân số ngày một nhiều hơn.
Ở Chhattisgarh, cứ 16.000 người dân mới có một bác sĩ. Và cũng giống như những vùng nông thôn khác, các miền quê ở Ấn Độ thiếu trung tâm y tế, thiếu nhân lực và đôi khi hết thuốc thiết yếu. Theo đó, hàng triệu người nếu bắt buộc phải nhập viện thì đó là một hành trình khó khăn lên các cơ sở chữa bệnh tuyến trên.
Không chỉ điều trị bệnh, hệ thống y tế Ấn Độ còn đối mặt với tỷ lệ sinh cao dù các nhân viên y tế đã dùng mọi cách để phổ biến người dân về kế hoạch hóa gia đình.
Chị Pratima Kumari là người đi đầu trong nỗ lực của bang Bihar nhằm giúp các cặp vợ chồng chỉ được sinh không quá hai con bằng cách phân phát bao cao su và thuốc tránh thai miễn phí. Tuy nhiên, kết quả không như mong đợi.
Chị Pratima Kumari, nhân viên y tế ở huyện Kishanganj, bang Bihar, cho biết: "Có rất nhiều quan niệm sai lầm trong người dân, khiến chúng tôi khó giúp họ hiểu những điều này. Đây là lý do tại sao tổng tỷ suất sinh ở khu vực này dẫn đầu cả nước".
Các bác sĩ và y tá làm việc tại bang bihar thậm chí tặng tiền 3.000 Rupee cho mỗi phụ nữ và 4.000 Rupee cho mỗi nam giới để triệt sản. Tuy nhiên, phần lớn đàn ông địa phương kiên quyết từ chối lời đề nghị này vì họ tin rằng triệt sản sẽ làm tổn hại đến sự nam tính của họ.
Anh Shyam Soren, cha của 7 đứa con ở huyện Kishanganj, bang Bihar, thắc mắc: "Tại sao tôi phải triệt sản? Tôi không làm đâu".
Thêm một nguyên nhân khác đặt thách thức cho ngành y tế Ấn Độ là quan niệm phải sinh con trai khiến nhiều bà mẹ vừa ra khỏi phòng sinh đã lên ngay kế hoạch tiếp tục có bầu, vì em bé vừa sinh ra vẫn là con gái. Hiện hệ thống y tế Ấn Độ đang gánh hai áp lực kìm hãm tỷ lệ sinh và chăm lo cho những người có bệnh. Và khi dân số Ấn Độ ngày một tăng, áp lực này sẽ ngày càng nặng nề hơn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!